Ngày 11/1/2024, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) công bố ra mắt mạng di động ảo FPT - MVNO (Mobile Virtual Network Operator) tại thị trường Việt Nam, sử dụng đầu số 0775 và hạ tầng viễn thông của nhà mạng MobiFone. Được biết, mạng di động ảo của FPT Retail được đầu tư và triển khai trong vòng 6 tháng kể từ khi cấp phép, nhanh hơn đáng kể so với các nhà mạng ảo khác bởi thời gian triển khai hệ thống kỹ thuật cho một nhà mạng di động ảo mới thông thường sẽ mất từ 12 - 15 tháng.
Cũng trong đợt ra mắt này, FPT Retail cung cấp gói cước đặc biệt FLEX với giá 88.000 đồng/tháng, kèm 5GB tốc độ cao mỗi ngày, 150 phút gọi FPT và MobiFone (cuộc gọi dưới 10 phút), 30 phút gọi các mạng khác…
Cuộc đua “miếng bánh” thị phần
FPT Retail cho biết, doanh nghiệp đã được cấp phép để cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc vào ngày 30/5/2023. Theo giấy phép số 135/GP-CVT, FPT Retail được phép cung cấp các dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất, bao gồm: Dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced được cung cấp cho thuê bao viễn thông giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp; dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông tiêu chuẩn GSM được cung cấp cho thuê bao viễn thông khi thực hiện tính năng CS Fallback hoặc trong trường hợp mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced không khả dụng.
FPT Retail cũng đang có nhiều lợi thế khi sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1.300 cửa hàng dược phẩm Long Châu. Mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu smartphone và thiết bị IoT các loại, đồng thời là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm nghìn khách hàng. Bên cạnh đó, FPT Retail có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh. Do đó, việc triển khai dịch vụ viễn thông sẽ góp phần tăng thêm tiện ích cho khách hàng, là một kênh duy trì kết nối giữa FPT Retail và khách hàng, tăng tỷ lệ khách hàng quay lại.
Gia nhập cuộc đua mạng di động ảo, hạ tầng FPT Retail có gì? (ảnh minh họa: Internet). |
Đáng chú ý, FPT Retail cũng chính là "tân binh" mới nhất của các nhà mạng ảo tại Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam, bao gồm: Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom (mạng ảo I-Telecom) với đầu số 087; Công ty CP Mobicast (mạng ảo Reddi, đã được Tập đoàn Masan mua lại) với đầu số 055; Công ty CP Viễn thông Asim (mạng ảo Local) với đầu số 089; mạng ảo VNSky của Công ty TNHH dịch vụ số Digilife Việt Nam (thuộc VNPay) với đầu số 0777 và FPT Retail với đầu số 0775.
Trong đó, mạng di động ảo của Đông Dương Telecom và Mobicast sử dụng hạ tầng của VinaPhone, còn mạng Asim, Digilife và FPT Retail sử dụng hạ tầng của MobiFone. Riêng nhà mạng Viettel chưa hợp tác với bất kỳ đối tác nào trong mảng này.
Với thông điệp "Turn "On" Amazing Life - Tận hưởng từng khoảnh khắc", FPT Retail mong muốn khai thác hiệu quả tập khách hàng hiện có và xây dựng được tập khách hàng trung thành, từ đó tạo nên nguồn doanh thu bền vững. Đồng thời, FPT Retail kỳ vọng sẽ kết hợp được lợi thế của các đơn vị trong cùng tập đoàn để có được hiệu quả cộng hưởng như: Phát triển nhóm khách hàng doanh nghiệp (giải pháp viễn thông dành cho doanh nghiệp), khách hàng hộ gia đình (kết hợp Internet - truyền hình), khách hàng sử dụng các dịch vụ IoT, M2M.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, tính đến ngày 30/4/2023, có khoảng 2,65 triệu thuê bao của các nhà mạng ảo tại Việt Nam, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động.
Doanh thu tăng, lợi nhuận “bốc hơi”
Trong một diễn biến khác liên quan, nhìn lại kết quả kinh doanh quý III/2023 của FPT Retail cho thấy, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 8.236 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 1.371 tỷ đồng.
Tuy vậy, doanh thu tài chính trong kỳ sụt giảm 53% xuống mức 21 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng mạnh lên trên 1.029 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ 865 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 41% lên gần 297 tỷ đồng. Do chi phí lớn nên lợi nhuận trước thuế của FPT Retail chỉ đạt gần 1,4 tỷ đồng, không đáng kể so với con số 105 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, FPT Retail báo lỗ sau thuế 13 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 85 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) âm hơn 21 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 3 liên tiếp. Giải trình về kết quả kinh doanh trên, FRT Retail cho biết, trong quý III/2023, công ty con là Công ty CP Dược phẩm Long Châu mở mới 584 cửa hàng so với cuối quý III/2022, do vậy đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất toàn công ty, tuy nhiên Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên chưa đóng góp nhiều về mặt lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của FRT Retail ghi nhận đạt gần 23.160 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 202 tỷ đồng; lỗ trước thuế gần 197 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, FPT Retail ghi nhận lỗ sau thuế gần 226 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 301 tỷ đồng. Công ty cũng báo lỗ ròng gần 245 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 296 tỷ đồng.
Từ góc độ khác, doanh thu online của FPT Retail đạt 4.222 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 18% tổng doanh thu hợp nhất. Về mạng lưới cửa hàng, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, chuỗi FPT Shop sở hữu 791 cửa hàng trên toàn hệ thống. Trong khi đó, FPT Long Châu nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên đến 1.384 nhà thuốc, mở mới 447 nhà thuốc so với đầu năm 2023.
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của FPT Retail tăng 11% so với đầu năm lên 11.720 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là hàng tồn kho ghi nhận gần 7.290 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.578 tỷ đồng, chiếm 14% tổng tài sản.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, nợ phải trả của FPT Retail cũng tăng 17% so với đầu năm, lên mức 9.924 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là vay nợ ngắn hạn ở mức hơn 5.646 tỷ đồng, không có nhiều biến động so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 1.795 tỷ đồng, bao gồm 1.362 tỷ đồng vốn điều lệ và 340 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.