"Tác động của hiện tượng giá năng lượng sụt giảm là có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, nó cũng chắc chắn là một điều tốt đối với các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Họ là những người đang phải "thắt lưng buộc bụng" mỗi lúc đi mua xăng", Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói trong buổi họp báo vào ngày 5/1.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, vào ngày 5/1, giá dầu thô Mỹ giảm xuống còn 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ ngày 29/4/2009. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Mức dưới 50 USD/thùng dầu diễn ra sau khi chỉ số Dow Jones giảm xuống còn 200 điểm ở chốt phiên giao dịch ngày 5/1 cùng với việc thị trường chứng khoán châu Âu mất hơn 2%.
Ông Earnest cho biết, giá dầu khí giảm là một "minh chứng cho sự thành công" của các chính sách mà Mỹ theo đuổi nhiều năm qua nhằm tăng sản lượng dầu và khí đốt trong nước và tăng mức hiệu quả trong sử dụng nhiên liệu.
Vào tháng 11/2014, Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không thay đổi sản lượng xuất khẩu dầu. Theo nhiều chuyên gia, động thái đó từ phía OPEC đã dẫn tới giá dầu giảm.
Quyết định trên của OPEC vấp phải sự phản đối từ một số nước thành viên như Iran và Venezuela. Hai nước trên không có lượng dự trữ tiền tệ hiệu quả, không cho phép họ có thể cân bằng nguồn ngân sách nhà nước trong thời gian khủng hoảng.
Venezuela và Nga, hai quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu, đã gặp các vấn đề về kinh tế trong bồi cảnh giá dầu sụt giảm trong thời gian qua. Đơn cử, dưới tác động kép từ giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt, giá trị đồng Rúp đã có nhiều lúc chao đảo. Sau những biện pháp của các cơ quan, giá Rúp đã có các chuyển biển tích cực. Tuy nhiên, ngay đầu phiên mở cửa giao dịch ngoại hối đầu năm 2015, Rúp nga lại mất giá nhẹ so với đồng USD và EUR.