Quà tặng cấp cao, đồ quân trang được rao bán “hồn nhiên”
Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán công khai các món đồ lưu niệm, quà tặng của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ. Thậm chí, trên các vật dụng này còn tự ý khắc tên người tặng là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hay Thủ tướng.
Cụ thể, tài khoản zalo “Shop quân trang” chào bán bộ ấm chén uống nước do Chủ tịch nước và Thủ tướng tặng. Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, mỗi bộ có giá từ 950.000-1,2 triệu đồng. Trong khi đó, bình hút lộc có in “Văn phòng Chính phủ tặng” có giá bán 1,8 triệu đồng; bình tỳ bà kích thước nhỏ hơn giá 1,2 triệu đồng.
|
Một bộ ấm chén giả mạo đang được rao bán trên mạng |
|
Những cây bút viết giả mạo, khắc tên lãnh đạo cấp cao được rao bán |
Liên lạc với số điện thoại của người bán, người này còn chào hàng bộ bút tự in lãnh đạo cấp cao tặng, giá gần 1,2 triệu đồng/bộ, nếu mua lẻ giá 299.000 đồng/bút. Bên cạnh đó là các mẫu bút có in Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng tặng, thậm chí là các bình thủy đựng nước cách nhiệt cũng được in chữ là quà tặng của các cơ quan cấp cao.
Người bán hàng thông tin, đây là những sản phẩm chất lượng, chữ in không bị phai, mờ. Các món đồ như bình hút lộc hoặc bình tỳ bà thường hết hàng do khá hút khách. Đối với các bộ ấm chén, bút viết còn hàng nhưng thời gian giao tại TP.HCM mất từ 3-4 ngày, kể từ thời điểm đặt và mức giá công bố đã bao gồm chi phí vận chuyển toàn quốc.
Trong khi đó, tài khoản facebook “Shop đồ Công an chính hãng” đang rao bán gần như không thiếu vật dụng nào của lực lượng công an nhân dân, như quần áo; tất; mũ thường, mũ cối; cầu vai; thắt lưng... Đáng chú ý, theo như thông tin cung cấp trên tài khoản facebook, dây lưng được sản xuất bởi Công ty 19-5 (Bộ Công an) và các mẫu dây lưng đủ cấp bậc từ Úy đến Tướng.
Trang facebook “Shop đồ ngành” từng bán dùi cui điện với giá 800.000 đồng/chiếc; còng dẫn giải giá 750.000 đồng/chiếc; quần áo công an đầy đủ (gồm cả ve, cầu vai) có giá 1,5 triệu đồng/bộ,...
Tương tự, trên nhóm “Đồ công an chính hãng 19/5” với gần 6.000 thành viên, vừa rao bán giày sỹ quan công an cấp tá mẫu năm 2020. Theo như giới thiệu của quản trị viên nhóm, giày được làm từ da bò mang kiểu đặc trưng của giày cấp tá như: không cột dây (có dây giả cố định), có viền ngang trước mũi chân. Bên trong lòng giày có mộc CTY19/5 (Bộ Công an). Thậm chí, giữa đế giày có in dập nổi logo CTY19/5 chống hàng nhái. Giày còn nguyên hộp, nguyên tem khi giao cho khách hàng.
Buôn bán đồ quân trang có thể bị phạt tới 200 triệu đồng
Theo quy định, cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, trang phục công an nhân dân là các mặt hàng đặc thù chỉ được sản xuất, cung cấp bởi các đơn vị được cho phép sản xuất thuộc lực lượng vũ trang và chỉ được cấp phát, sử dụng cho cán bộ chiến sỹ công an nhân dân sử dụng khi thi hành công vụ. Người được cấp phát có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi các quân trang, thiết bị này.
Nghị định 29/2016/NĐ-CP quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục công an nhân dân. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình
|
Mẫu giày và nhiều vật dụng khác của ngành công an bị các đối tượng rao bán bằng tài khoản mạng xã hội |
-Về xử phạt hành chính:
Những tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng trên thuộc trường hợp kinh doanh hàng cấm, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP). Theo đó, những tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, trao đổi, mua, bán, sử dụng trái phép các mặt hàng thuộc vật dụng của ngành công an có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 500.000 đồng - 200.000.000 đồng.
-Về xử lý về hình sự:
Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190, Điều 191, Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục công an nhân dân để giả danh công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo điều 174, Bộ Luật Hình sự 2015 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.