Hầu như mỗi năm, cứ đến mùa bão lũ là lại có ít nhất một vài vụ xe ô tô bị nước lũ cuốn trôi và nhiều hành khách đã phải chịu cái chết oan ức, tức tưởi trong dòng nước lũ. Người thoát ra được khỏi xe thì không biết bơi, người biết bơi thì lại mắc kẹt trong xe...
Mới đây nhất, việc Phó giábm đốc Sở Công thương bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường mang nhu yếu phẩm đi cứu trợ người dân vùng bão lũ đã khiến dư luận không khỏi đau lòng. Vì thế, bàn về sự việc này, Kiến Thức đã phỏng vấn chuyên gia ô tô, phòng chống bão lụt và tâm lý.
Theo ông Mai Xuân Cường, Giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Minh Hoàng, đại lý ủy quyền của thương hiệu ô tô GM Việt Nam, một chiếc xe ô tô khi đang bị chìm xuống nước, mà người ngồi trong không thoát ra được thì có thể do các nguyên nhân sau: thứ nhất là không ai mở chốt cửa nên không thể đẩy cửa ra được, thứ hai là do áp lực nước mạnh quá (hoặc sức người yếu quá) nên dù cửa đã được mở chốt, nhưng người ngồi trong vẫn không đẩy để thoát ra được.
Về trường hợp thứ 2, dù xe chìm xuôi hay bị lật ngược trước khi chìm thì áp lực nước đè vào cửa cũng như nhau, có điều khi xe bị lật ngược thì tư thế của người ngồi bên trong sẽ bất tiện hơn để tìm cách mở cửa thoát ra. Tôi đọc qua báo chí thì thấy, trường hợp xe chở ông Nguyễn Tài Dũng Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An là bị lật, rồi sau đó mới chìm dần.
Về trường hợp thứ nhất, trong vụ xe chở ông Nguyễn Tài Dũng gặp nạn, nhiều người cho rằng tài xế đã thoát ra được nhưng do quá hoang mang nên không mở các chốt cửa còn lại, khiến người ngồi bên trong chết oan vì không mở được cửa. “Tôi nghĩ nói thế này thì không chính xác lắm. Bởi thứ nhất, vẫn chưa biết nguyên nhân vì sao ông Dũng không thoát được ra ngoài; thứ 2 là ở mỗi cánh cửa của xe đều có chốt để mở cửa, nếu tài xế chỉ mở cửa cạnh chỗ mình ngồi để thoát ra thì những người còn lại vẫn có thể vặn chốt ở cửa của họ để mở. Vấn đề ở đây là có thể áp lực nước lớn quá, ông Dũng không đẩy được cửa ra. Như vậy, chỉ còn cách mở công tắc khóa kính hoặc đập vỡ kính để thoát ra ngoài. Có thể tài xế trong lúc hoang mang đã không kịp mở công tắc khóa kính, nên ông Dũng không hạ kính xuống được.
Thông thường, mỗi chiếc xe ô tô sẽ có các công tắc (hoặc chốt) sau: công tắc tổng (nếu mở công tắc này, tất cả các cửa sẽ mở ra được), công tắc khóa kính (2 công tắc này đều nằm ở bảng điều khiển ở trước xe). Ngoài ra, ở mỗi cánh cửa đều có chốt để mở cửa, 2 cánh cửa sau còn có chốt an toàn trẻ em. Nếu chốt an toàn trẻ em đóng thì chỉ có người bên ngoài xe mới mở được cửa.
Như vậy, trường hợp xe chở ông Dũng có thể tài xế không kịp mở công tắc khóa kính. Trong lúc hoang mang người ta thường mất bình tĩnh dẫn đến quên cả những việc đơn giản nhất. Thực ra, đã xác định xe đi cứu trợ vũng lũ thì phải lường trước những rủi ro có thể xảy đến và chuẩn bị trước, nhất là trên địa bàn tỉnh Nghệ An từng có nhiều vụ chìm xe tương tự. Thế nên, cần để công tắc khóa kính ở chế độ mở ngay từ đầu, phòng khi xe rơi xuống nước thì người ngồi trong chỉ việc hạ kính để thoát ra.
Sự ra đi của ông Dũng trong lúc đang làm nhiệm vụ cứu trợ đồng bào vùng lũ là một tin đau buồn với người dân cả nước những ngày qua. Sự việc này có lẽ bớt đau thương hơn vì người tài xế may mắn sống sót, chứ không phải cả hai cùng tử nạn. Thế nhưng, có lẽ tài xế cũng chẳng vui gì khi đối diện với cái chết của ông Dũng và một số ý kiến của dư luận.
Theo chuyên gia tâm lý Bùi Nhài, Trung tâm tư vấn tâm lý Thành Đạt (Trung Hòa – Nhân Chính), một người bình thường trong những trường hợp nguy cấp sẽ xảy ra nhiều khả năng. Thứ nhất là hoảng loạn quá không biết làm gì; thứ 2 là não bị ảnh hưởng, dẫn đến không thể kiểm soát được những hành vi của mình, không thể nghĩ ra được những giải pháp, hành động sáng suốt nhất. Bên cạnh đó, phàm là người thì đâu đó vẫn tiềm ẩn lòng vị kỷ. Khi phải đối diện với cái chết trong gang tấc, người ta thường tìm cách để thoát thân ra ngoài và không đủ lực để cứu người khác, trừ khi là những người ruột thịt của mình như vợ con, bố mẹ. Đây cũng là một điều dễ thông cảm.
"Tôi nghĩ dư luận nên có cái nhìn thông cảm hơn, bởi trong một vụ tai nạn được thêm người nào sống sót là đã bớt đau thương hơn đi rồi. Hơn nữa, nguyên nhân mấu chốt khiến ông Dũng tử nạn vẫn đang được điều tra nên chúng ta không nên có những bàn tán gì lúc này. Dù sao cũng không phải lái xe cố ý đi vào khu vực nguy hiểm như những vụ tai nạn tương tự trước đó, mà đây là nhiệm vụ phải làm", bà Nhài nói.