Gia đình bị "giời đày" ở Hòa Bình

(Kiến Thức) - Đôi vợ chồng có 3 đứa con và một đứa cháu đều như bị giời đày. Cứ đến ngưỡng tuổi cắp sách đến trường thì đôi mắt mờ dần...

Người xã Mông Hóa (Kỳ Sơn, Hòa Bình) gọi gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở xóm Vành là "ngôi nhà bóng tối". Trong ngôi nhà tồi tàn ấy có tất thảy 7 người thì chỉ có hai người lành lặn, một người liệt giường hàng chục năm nay, 4 người còn lại thì mù tịt. Chẳng biết rồi sau này, khi đôi mắt của hai người lành lặn nhắm lại, trở về với đất thì những người còn sống kia sẽ ra sao. 
Bi kịch đến tuổi là... mù
Ông Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị Vinh kết hôn với nhau năm 1985, cả hai vợ chồng đều là người dân tộc Mường ở xã Mông Hóa. Năm sau, đôi vợ chồng trẻ tràn trề hạnh phúc khi đứa con gái đầu lòng Nguyễn Thị Linh chào đời. Năm sau nữa họ sinh thêm được một cậu con trai cho nhà có nếp có tẻ. Gia đình đặt tên cho cậu bé là Nguyễn Văn Liêm. Hai năm sau, tức 1989 đứa con thứ ba chào đời tên là Nguyễn Thị Ba.
Ba đứa con đều lành lặn, xem ra đó là một hạnh phúc không gì sánh bằng. Nhưng rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Nỗi lo bóng tối cứ rình rập như một tên trộm sẵn sàng cướp mất ánh sáng của gia đình ấy. Đầu tiên là với cô bé Nguyễn Thị Linh.
Từ lâu, người Mông Hóa đã gọi gia đình ông Bình là Ngôi nhà bóng tối.
Từ lâu, người Mông Hóa đã gọi gia đình ông Bình là Ngôi nhà bóng tối. 
Khi Linh bắt đầu bước chân vào lớp 1 thì đôi mắt cứ mờ dần đi. Khi lên lớp 2, giáo viên cho Linh ngồi bàn đầu nhưng cũng không nhìn rõ chữ. Vợ chồng ông Bình lo lắng chạy vạy tiền đem con xuống Hà Nội khám bệnh. Bác sĩ kết luận, Linh bị tiêu hủy võng mạc.
Năm sau Linh mù hẳn. Cô bé 8 tuổi tức tưởi khóc đòi bố mẹ trả lại ánh sáng cho mình. Đôi vợ chồng chưa hết buồn phiền, lo lắng thì lại hốt hoảng khi nghe tin cô giáo của đứa con thứ hai thông báo Liêm có vấn đề về mắt. Lại một lần nữa, gia đình chạy vạy tiền đưa Liêm xuống Hà Nội. Bác sĩ khám xong, kết luận Liêm bị tiêu hủy võng mạc giống người chị. 
"Vợ chồng tôi nghĩ, tương lai của hai đứa con coi như không còn. Tất cả sẽ phải phụ thuộc vào đôi mắt của đứa em út Nguyễn Thị Ba. Nó là đứa duy nhất còn sáng mắt, vợ chồng tôi cũng chỉ cầu trời cho con đừng bất hạnh giống như anh chị nó, nhưng rồi...", ông Bình ngập ngừng.
Năm sau, cô bé Nguyễn Thị Ba lại xuất hiện triệu chứng mờ mắt. Lần này, vợ chồng ông Bình rút kinh nghiệm, tức tốc đưa con xuống viện mắt dưới Hà Nội để nhanh chóng chữa trị. Nhưng bác sĩ vẫn kết luận không thể chữa được. Họ lại tủi thân đưa con về quê nhờ các ông lang, bà mế Mường đắp thuốc cứu vãn. Nhưng như là số phận, vài tháng sau thì Ba không còn nhìn thấy gì nữa.
Ông Bình cùng hai người con bị khiếm thị.
Ông Bình cùng hai người con bị khiếm thị. 
Bất hạnh mới ra đời
Gia đình vốn đã khó khăn, ruộng ít, vườn tược không có nên vợ chồng ông Bình phải lăn lộn khắp nơi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi 3 đứa con tật nguyền. "Hễ chồng đi làm xa thì vợ phải ở nhà trông coi các con. Điếc hay ngóng, ngọng hay nói, mù lại hay đi cho nên đã nhiều lần 3 đứa con tôi mất tích vì lạc đường", bà Vinh cho hay.
Ở địa phương, nhiều người cho rằng ông Bình đi bộ đội nên nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, ông Bình thật thà: "Năm 1982 tôi mới nhập ngũ, mà lại đóng quân ở trường Sĩ quan Lục quân I, không có liên quan gì đến da cam. Trong gia đình tôi cũng chưa có ai từng bị khiếm thị như thế".
Năm 2006, đứa con út của vợ chồng ông Bình là Nguyễn Thị Ba có thai với một người không rõ danh tính. Đứa con Ba sinh ra đặt tên là Nguyễn Văn Thương và cũng giống như mẹ và hai bác, đôi mắt Thương cứ mờ dần rồi mù hẳn. Ngôi nhà bóng tối vốn đã nhiều đau khổ, giờ lại thêm một bất hạnh mới ra đời.. 
Chị Lan nguyện đem lòng yêu và gánh vác khó nhọc của gia đình ông Bình.
Chị Lan nguyện đem lòng yêu và gánh vác khó nhọc của gia đình ông Bình.  
"Chỉ sợ khi tôi chết"
Gần 30 năm nay, vợ chồng ông Bình phải vay công mượn nợ nuôi 3 con và cháu bị mù. Họ còn phụng dưỡng mẹ già ở tuổi 90 bị liệt gần chục năm nay. Thế nên kinh tế đã khó khăn, những món nợ ngày một chồng chất. Dù những đứa con khuyết tật được trợ cấp số tiền 360.000đ/tháng, nhưng xem ra chỉ như muối bỏ bể.
Ông Nguyễn Văn Án, Trưởng thôn Vành cho hay: "Gia đình anh Bình thuộc diện khó khăn nhất xã. Bà con hàng xóm thi thoảng cũng giúp đỡ nhưng chỉ là mớ rau, củ sắn, không có nhiều hơn để giúp họ trang trải cuộc sống".
Hiện tại, Ba và đứa con nhỏ đã được gia đình gửi xuống Hải Phòng học chữ nổi Braille. Linh và Liêm không muốn là gánh nặng cho gia đình nên xin học một lớp tẩm quất người mù. "Bọn em sinh ra đã không giúp gì cho gia đình rồi, phải tự kiếm sống thôi. Nhiều lúc bọn em rủ nhau đi chết nhưng không đành, vì dù gì bố mẹ cũng đã sinh ra mình", Linh tâm sự.
Ông Bình tỏ ra lo lắng: "Chẳng biết sau này ra sao nữa. Ừ thì cho là các cháu nó có nghề nghiệp hết đi. Nhưng chỉ sợ sau này khi tôi chết đi, chúng không còn ai dẫn đường chỉ lối nữa thì sẽ thế nào".
Ánh sáng từ tình yêu 
Theo bà Vinh, may mắn lớn nhất đối với gia đình cho đến lúc này có lẽ là sự thương cảm từ một cô gái trẻ Nguyễn Thị Lan. Lan cũng là người Mường ở Kỳ Sơn, thấy gia cảnh của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Liêm quá nghiệt ngã nên đã đem lòng yêu mến.
"Nhiều người bảo sao lại dại dột như thế. Gái chưa chồng, gia đình lại có điều kiện, có công ăn việc làm sao lại đâm đầu vào chỗ tối để cả đời phải khổ. Nhưng tôi không nghĩ là khổ, bởi đó là tình yêu của tôi. Tôi có thể gánh vác tất cả để anh Liêm và gia đình bớt đi mặc cảm và bớt đi những bần bách trước mắt", chị Lan chia sẻ.
Nhưng không biết rồi sau này, khi vợ chồng ông Bình mất đi, 4 người mù trong gia đình bóng tối kia sẽ thế nào? Liệu cô gái trẻ thiện nguyện Nguyễn Thị Lan có đủ sức vác gánh nặng ấy không? Chỉ biết rằng, với những người khiếm thị nói riêng và những người khuyết tật nói chung, tình yêu và sự đồng cảm luôn là niềm khao khát để họ vững tin vào cuộc sống.
Biết đâu, tình yêu chính là thứ ánh sáng soi dẫn họ đến với hạnh phúc. Mong là vậy, và mong những tấm lòng hảo tâm từ cộng đồng xã hội để những người khiếm thị thấy được ánh sáng của tình người.
"Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay nên nhiều lúc chúng tôi cũng buồn lắm. Buồn nhưng chẳng than với ai được. Hai vợ chồng chỉ mong có sức khoẻ để làm lụng kiếm bát cơm nuôi nấng các cháu. Số phận đã không cho các cháu sự may mắn thì thôi, mình cố tạo cho các cháu nụ cười là đủ rồi".
Ông Nguyễn Văn Bình
"Gia đình anh Bình thuộc diện gia cảnh khó khăn nhất xã. Dù các cháu trong gia đình anh Bình đã được hưởng trợ cấp khuyết tật nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Chúng tôi rất mong mỏi lòng hảo tâm của xã hội để giúp gia đình họ vượt qua những khó khăn này".
Ông Nguyễn Đăng Dung (Chủ tịch UBND xã Mông Hóa)

Anh Ma khiếm thị hạ rắn, bắt ba ba khủng

- Chàng trai người dân tộc Tày, Trần Văn Ma ở xã Bằng Cốc, Hàm Yên, Tuyên Quang bỗng dưng trở nên nổi tiếng bởi kỳ tích bắt được ba ba khủng nặng 12kg. Điều đáng nói là anh Ma bị khiếm thị nhưng có những khả năng kỳ diệu, có thể bắt được rắn độc, xâu kim và trèo cây như khỉ.

Sống trong bóng tối

Anh Trần Văn Ma sống trong một căn nhà mái rạ ở thôn 3 xã Bằng Cốc. Khi chúng tôi đến, anh đang cùng vợ vót tre làm đũa để bán ngoài chợ. Anh Ma bảo: "Cả đời tôi sống trong bóng tối, nghe con gà nó gáy thì biết là trống hay mái nhưng cũng chẳng biết thân hình nó làm sao, tội lắm".

Anh Ma dẫn chúng tôi vào nhà, tự đi pha trà, chêm nước sôi, đi tìm điếu cày têm thuốc mời khách. "Hồi mới lên hai thì bị bệnh thủy đậu, gia đình cho rằng đó là do con "ma" nó nhập vào nên mời thầy cúng bái. Cúng mãi mà chẳng khỏi đến khi mắt mờ đi thì mới đến thầy lang cắt thuốc. Ai ngờ, uống xong thang thuốc, đắp thuốc lá vào mắt rồi bỏ khăn ra thì chẳng nhìn thấy gì nữa, mù từ đấy đến nay", anh Ma kể.

Ma sinh năm 1973, đến nay đã 37 năm sống trong bóng tối. Ông Vi Trung Nông là cậu ruột của Ma cho biết: "Ấy vậy mà nó còn giỏi hơn khối người sáng mắt khác đấy, việc gì nó cũng làm được. Đấy anh xem, cả bản này có mấy gia đình có nhà xây tường xi măng, nó làm được tuốt, giỏi là đằng khác".

Nghe đến đây, Ma cười khành khạch bảo: "Thì cái bụng đói, cái chân phải bò chứ biết sao. Cứ dựa vào mù lòa mà ăn sẵn thì chỉ bị khinh bỉ thôi".

Ngôi nhà của Trần Văn Ma.
Ngôi nhà của Trần Văn Ma.

Lội suối bắt ba ba khủng

Tôi đồ rằng, anh Ma là một trong những dị nhân có những khả năng kỳ diệu nhất. Ví như chuyện anh Ma bắt được con ba ba khủng nặng 12kg ở trong hang của một con suối xã bên cạnh.

Anh Ma kể: "Hôm ấy, tôi sang xã bên lần tìm để bắt rắn hổ mang, đến con suối nghe thấy tiếng động lạ nên tôi cũng khiếp vía. Nhưng nghe kỹ thì đó là tiếng động do con ba ba phát ra, chỉ có điều nó khác bình thường".

Thế rồi, Ma lội xuống suối, bì bõm lần theo tiếng động đến một cái hang đầu nguồn. Xác định đúng chỗ có tiếng động lạ, Ma thò chân vào để kiểm tra nhưng không thấy gì. Cuối cùng, anh đành lặn xuống chui vào hang để tìm. Ma suýt ngất vì tưởng đó là quái vật, anh vội vàng rút lên trên định thần.

Không bỏ cuộc, Ma tiếp tục lặn xuống, cố hết sức bình sinh lôi con "quái vật" ấy ra khỏi hang. Sau vài lần nhô lên ngụp xuống, con ba ba suối 12kg bị anh Ma khuất phục. Cả bản làng hò reo theo sau Ma, cuối cùng một đại gia đã đến mua con ba ba về làm cảnh với giá "để Ma làm cả cái nhà".

Không chỉ bắt được ba ba khủng, Ma còn là một tay bắt rắn kỳ khôi. Xã Bằng Cốc có nhiều đồi núi, bụi rậm nên cũng là địa bàn lý tưởng cho rắn hổ mang. Hằng ngày, Ma đều men theo sườn núi, dùng đôi tai cực thính của mình để nghe tiếng rắn trườn. Ma bảo: "Tôi chỉ bắt rắn hổ mang nên phải nghe thật kỹ để phát hiện ra chúng. Có con rất khôn, khi người tới gần chúng sẽ cuộn tròn nên phải "đánh hơi" bằng mũi. Nói anh không tin, chứ tai và mũi của tôi tinh vô cùng, đến cái lá rơi tôi còn nghe được".

Không biết thực hư cái sự thính của Ma như thế nào, nhưng công việc bắt rắn hằng ngày của anh để nuôi sống gia đình là minh chứng đáng tin cho lời "giới thiệu" bản thân.

Ông Vi Trung Nông nghe cháu nói vậy thì bồi thêm: "Nó bắt rắn kiểu khác người lắm, không cần dùng gậy dài như người khác. Con nào chạy nhanh, nó lấy đá ném điểm huyệt rắn, nó ném giỏi trăm phát trúng trăm". Ma nghe vậy, vỗ đùi cười đắc ý.

Ma có thể nhắn tin điện thoại và xâu kim may vá.
Ma có thể nhắn tin điện thoại và xâu kim may vá.

Làm việc như người sáng mắt

Quả thực, nếu không nhìn vào mắt Ma, sẽ chẳng ai nhận ra anh bị mù. Từ việc đi lại đều như người bình thường, không phải chậm chạp dò dẫm từng bước.

Một chuyện khó tin nhưng có thật, Ma có thể tự xâu kim may vá quần áo mà không cần nhờ vả đến bất cứ ai. Cái điện thoại mà năm ngoái anh mua để liên lạc với bạn bè cũng được sử dụng một cách thành thạo. Từ lưu số đến nhắn tin đều có thể tự thân thực hiện được.

Nhà Ma có hơn chục cây mít và ổi, đến mùa mít chín, ổi thơm Ma còn trèo cây như khỉ để hái quả đem ra chợ bán. "Người ngoài thấy thế là điều lạ, nhưng chúng tôi thấy quen rồi. Nó còn leo núi lấy đá làm móng nhà, chặt tre, xẻ gỗ, cưa, bào, đục, đẽo làm cột kèo cho mái cơ đấy", ông Vi Trung Nông cho hay.

Công việc hằng ngày như nấu cơm, giặt giũ là việc quá bình thường đối với Ma. Anh bảo: "Bây giờ, tôi không nghĩ mình bị mù nữa, ngày nào cũng vót đủ 500 đôi đũa đem bán ngoài chợ, tiền tôi còn không nhầm thì sao làm nhầm được".

Chuyện Ma sờ tiền là biết mệnh giá cũng được kiểm nghiệm. Chúng tôi lấy một số tiền ra, từ tiền polymer đến tiền giấy đều được anh Ma đọc đúng mệnh giá, không hề có nhầm lẫn.

Mỗi ngày, Ma vót được 500 chiếc đũa.
Mỗi ngày, Ma vót được 500 chiếc đũa.

Hạnh phúc giản dị

Không chỉ là một cao thủ hạ rắn, bắt ba ba, Ma còn là một chàng trai rất "sát gái". Nghe danh Ma có tật mà lắm tài, không ít cô đến tuổi cập kê trong và ngoài bản đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ.

Và rồi năm 2002, Ma đem lòng yêu cô con gái trưởng bản xã bên là chị Phùng Thị Viên. Đám cưới của Ma cũng rất đặc biệt, toàn thịt ếch, ba ba và rắn. Chinh phục được trái tim người đẹp, Ma bắt đầu có gia đình và đến nay cái gia đình nhỏ ấy đã có thêm 2 thành viên. Anh bảo: "Đó là hạnh phúc giản dị và tuyệt vời nhất, trời lấy đi của tôi đôi mắt nhưng bù lại cho tôi nhiều khả năng kỳ diệu và một gia đình hạnh phúc".

Anh Ma cho hay: "Dự định trong tương lai chẳng có gì to tát, chỉ làm sao cố gắng làm lụng nuôi con cái học hành, tương lai sáng lạn của con cái là đèn soi cho gã mù này".

Ma và vợ là Phùng Thị Viên.
Ma và vợ là Phùng Thị Viên.
"Ma tuy bị khiếm thị từ nhỏ nhưng rất có tinh thần trong cuộc sống, chịu khó làm lụng nuôi gia đình, giỏi săn bắn cũng như việc nương rẫy. Ma còn là người sống độ lượng, không dựa dẫm, vì thế anh không nhận hộ nghèo để nhường chế độ ấy cho những người khác".
Ông Vi Quốc Phòng (Chủ tịch UBND xã Bằng Cốc)
Thái Hòa      

Chuyện tình của “hiệp sĩ” mù và nữ thạc sỹ kinh tế

Ngày đầu tiên ra mắt nhà người yêu, Vân bị bố mẹ Ánh thẳng thừng từ chối.

Đó là chuyện tình cổ tích của cặp vợ chồng “đặc biệt” Khúc Hải Vân (SN 1982) và Hoàng Thị Nguyệt Ánh (SN 1983), trú tại ngõ Trung Tiền, Khâm Thiên, Hà Nội. Hải Vân, chàng thanh niên tài giỏi nhưng bị mù cả hai mắt . Còn Nguyệt Ánh là một cô gái thông minh, có học thức, có công việc ổn định. Cô gái trẻ đã vượt qua bao khó khăn, bỏ lại sau lưng mọi lời đàm tiếu để đến với chàng trai khuyết tật ấy.

“Vệt sáng” trong bóng tối

Tôi hẹn vợ chồng “đặc biệt” ở quán cafe gần nhà Vân vào một buổi tối cuối tuần. Bởi ngày thường cả Vân và Ánh đều rất bận rộn. Vân đến rất đúng giờ. Nhìn tôi, Vân giải thích: “Ánh đang bận rửa bát. Cô ấy sẽ đến sau. Từ ngày về làm dâu, nhà đông người, Ánh cũng thêm vất vả…”.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu (Hà Nội) lại tất bật. Khắp các xưởng, không khí lao động trở nên hối hả, máy móc hoạt động hết công suất.