Báo cáo tình hình giá cả năm 2017, dự báo 2018 của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy: Năm 2017, mặt bằng giá cả thị trường biến động theo hướng tăng thấp trong những tháng đầu năm, giảm trong quý II và tăng dần trở lại trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016 và tăng 2,6% so với tháng 12/2016.
Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2017.
Giá điện tăng ảnh hưởng đến chỉ số giá năm 2018. |
Dự báo giá cả một số mặt hàng chủ yếu năm 2018 như giá điện, giá xăng dầu,... Cục Quản lý giá thấy nhiều yếu tố tác động đến mặt bằng giá cả.
Cụ thể, giá điện tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 dự kiến sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1% và sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào. Giá điện trong 6 tháng đầu năm dự kiến ổn định, trong 6 tháng cuối năm sẽ biến động tùy thuộc vào kết quả kiểm toán giá điện.
Dự báo giá dầu thô thế giới bình quân năm 2018 sẽ trong khoảng từ 50-55 USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm sẽ ở mức 66-70 USD/thùng, tăng từ 5-10% so với bình quân năm 2017. Giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 5-15% sẽ tác động vào CPI chung khoảng 0,28%-0,64%.
Năm 2017, giá xăng RON 92 có 10 lần tăng, với mức tăng 3.916 đồng; 9 lần giảm với mức giảm 2.920 đồng. Còn dầu Diesel 15 lần tăng với mức tăng tổng cộng 4.101 đồng; giảm 7 lần với mức giảm 2.370 đồng.
Giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8-10% trong năm 2018, tác động khoảng 0,3% vào CPI chung của năm 2018.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc quỹ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tác động vào CPI khoảng 0,17%. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế cũng sẽ tác động vào CPI khoảng 0,14%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có thể sẽ tính thêm chi phí quản lý vào giá trong năm 2018 theo lộ trình.