Giá trái cau tăng "chóng mặt"
Những ngày qua, ông Nguyễn Xuân Học (trú xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước - Quảng Nam) vui như trúng số vì giá trái cau tươi tăng cao vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Chỉ cần bán một buồng cau khoảng 10kg, ông bỏ túi gần 1 triệu đồng.
Gia đình ông Học trồng khoảng 1.000 cây cau, trong đó có hơn 200 cây ra quả. Dù mới giữa mùa nhưng ông Học đã kiếm được gần 300 triệu từ vườn cau của mình.
Ông Học đang hái cau bán cho thương lái. |
Mỗi kg cau bán tại vườn có giá dao động từ 80.000-90.000 đồng. |
"Lần đầu tiên tôi thấy giá cau tăng từ đầu vụ đến nay, bán đắt hơn cả tôm. Nếu giá này duy trì được lâu thì cây cau sẽ giúp nông dân làm giàu. Giá trị kinh tế hơn hẳn nhiều loại cây khác, lại ít công chăm sóc", ông Học phấn khởi.
Hồ hởi mang cau đi bán sau một ngày thu hoạch vất vả, ông Bùi Văn Tý (xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước) cho biết, nếu như các năm trước, giá cau đầu vụ dao động từ 5.000-7.000 đồng/kg thì năm nay, ngay từ đầu vụ, giá cau đã trên 40.000 đồng/kg và tăng liên tục từ đó đến nay.
Các cơ sở thu mua cau đang hoạt động hết công suất. |
Hiện, cau tươi có giá 90.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá kỷ lục khi cau đang ở giữa vụ so với cùng thời điểm những năm trước. Thậm chí có những ngày, giá cau thay đổi trong vài giờ, từ sáng đến chiều đã tăng 5.000 đồng/kg.
"Nhà tôi có 500 cây cau đang thu hoạch. Năm ngoái tôi bán 1 tấn cau thu được 20 triệu đồng, còn năm nay 1 tấn cau tôi mua được hơn 1 lượng vàng (khoảng 84-85 triệu đồng/lượng-PV)", ông Tý hào hứng khoe.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 1.000ha trồng cau, tập trung chủ yếu tại huyện Tiên Phước và Bắc Trà My. Sản lượng bình quân mỗi năm đạt gần 8.000 tấn.
Xã Tiên Cảnh là trung tâm chế biến cau xuất khẩu nước ngoài với gần 10 cơ sở chế biến. |
Cau đưa về xưởng được tuyển chọn, không sứt cuống, trung bình 45-55 quả 1 kg. |
Cau tươi cho vào nồi hơi luộc hơn một giờ, khi chín được vớt ra, đưa lên lò sấy. |
Tại hai cơ sở chế biến cau xuất khẩu của bà Trần Thị Luân ở xã Tiên Lãnh và Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước), những ngày qua luôn tấp nập người ra vào bán cau tươi.
Theo bà Luân, giá cau tăng cao là do Trung Quốc tăng cường nhập khẩu để làm kẹo cau và dược liệu.
Cơ sở của bà Luân đang tạo việc làm cho 20 lao động, với thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày cơ sở này thu mua khoảng 20 tấn cau tươi để chế biến cau sấy.
"Khoảng 4 kg cau tươi sẽ cho ra 1 kg cau khô. Cau sấy được bán sang Ấn Độ, Hàn Quốc, các nước Ả rập,... nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất", bà Luân nói.
Nông dân có thể thu gần tỷ đồng mỗi vụ
Quảng Ngãi cũng là địa phương nổi tiếng với diện tích trồng cau rộng lớn. Toàn tỉnh có hơn 2.000ha cau. Trong đó, huyện Sơn Tây có hơn 1.000ha và huyện Nghĩa Hành khoảng 750ha.
Huyện miền núi Sơn Tây được mệnh danh là "xứ ngàn cau" khi có hơn 1.000ha trồng cau. |
Ông Trần Văn Nam (trú xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) chia sẻ, nhiều năm trước, giá cau bấp bênh, có thời điểm xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, giá cau bất ngờ tăng cao chưa từng thấy nên ông rất phấn khởi.
Gia đình ông Nam có vườn cau hơn 300 cây đang cho trái. Trung bình mỗi lần bán cau, ông thu về hơn 20 triệu đồng.
"Cau cho trái sau khoảng 5-6 năm, thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến cuối năm. Mỗi tháng có thể bán hai đợt, mỗi lần khoảng 250-300kg. Giá cau năm nay cao nên nhiều nhà vườn trúng lớn. Nếu giá tiếp tục tăng và neo đến cuối mùa thì người trồng cau số lượng lớn có thể kiếm cả tỷ đồng", ông Nam nói.
Giá cau tăng giá kỷ lục, theo ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, là do sản lượng cau tiêu thụ mạnh tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ, kéo giá tăng cao.
"Địa phương đang theo dõi sát thị trường để có khuyến cáo với người trồng, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa", ông Vũ nói.