Gần đây, một đợt nắng nóng gay gắt đã bùng phát trên một vùng rộng lớn của châu Á. Từ Ấn Độ đến Philippines, các quan chức ở nhiều thành phố thuộc khu vực đã phải quyết định đóng cửa các trường học, kêu gọi người dân ở nhà và đề phòng các dấu hiệu say nắng, sốc nhiệt.
Trong khi nhiệt độ cao khiến một số con đường ở Bangladesh chảy nhựa, thì tại Thái Lan, nhiều cử tri bị ngất xỉu khi xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu sớm.
Ngày 13/5, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 40 năm qua là 37 độ C và cảnh báo tình trạng thời tiết khô nóng này còn tiếp diễn. Trong khi đó, Philippines cũng ghi nhận nền nhiệt đạt đến mức "nguy hiểm" với sự kết hợp giữa nhiệt độ dao động từ 42-51 độ C và độ ẩm cao. Thủ đô Vientiane của Lào cũng phá kỷ lục mọi thời đại vào cuối tuần qua với nhiệt độ 42,5 độ C. Thái Lan trải qua ngày có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Thủ đô Bangkok, lên tới 41 độ C vào cuối tuần trước.
Tại Việt Nam, nhiệt độ đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 44,2 độ C vào đầu tháng 5. Ngay cả tại Trung Quốc, nhiều thành phố lớn đã đưa ra những cảnh báo nắng nóng. Đầu tuần này, nhiệt độ ở Bắc Kinh là 36 độ, tỉnh Vân Nam vốn nổi tiếng với thời tiết dễ chịu thì gần đây cũng có nhiệt độ hơn 40 độ.
Một người đàn ông bị dính dép trên nhựa đường tan chảy khi cố gắng băng qua đường giữa trời nắng "đổ lửa" ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS. |
Cơ quan khí tượng đánh giá, xét theo nhiều tiêu chí, châu Á vừa trải qua tháng 4 nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Còn trên phạm vi toàn cầu, 8 năm qua là 8 năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu thu thập các dữ liệu quan trắc.
Đợt nắng nóng và khô hạn mới đây ở Đông Nam Á được cho là có liên quan đến biến đổi khí hậu. Khi sự thay đổi trong chu trình thủy văn dẫn đến lượng mưa vào mùa đông vừa qua bị hạn chế. "Đất khô sẽ nóng lên nhanh hơn đất ẩm, vậy nên hiện tượng nóng bất thường tất yếu sẽ diễn ra khi mùa xuân đến", Koh Tieh Yong, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, phát biểu trên tờ Bloomberg.
Người đàn ông Bangladesh đội tảng nước đá lớn trên đầu giữa trời nắng nóng ở thủ đô Dhaka. Ảnh: Dhaka Tribune. |
Đối với hầu hết thế giới, đặc biệt là với nhiều quốc gia châu Á, những tháng nắng nóng này là chỉ dấu về những bất thường còn có thể tiếp diễn trong tương lai. Không chỉ nhiệt độ ban ngày mà cả các con số được đo về nhiệt độ sau khi mặt trời lặn cũng đang xô đổ các kỷ lục. Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu, đã trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục vào năm ngoái, còn năm nay tại đây ghi nhận tháng 2 nóng nhất trong 122 năm trở lại. Nhiệt độ cũng đã gần chạm ngưỡng kỷ lục trong những tuần gần đây, với hàng chục người chết vì nắng nóng.
Nhiệt độ cao bất thường trong thời gian vừa qua cùng với nắng nóng tại Nam Á và Đông Nam Á đang dấy lên những lo ngại. Một trong những nguy cơ đối với sức khỏe con người được các chuyên gia cảnh báo là giới hạn “bầu ướt” trong nắng nóng.
Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm cao tại những nơi như Ấn Độ đang đẩy con người vượt quá một ngưỡng nguy hiểm gọi là giới hạn "bầu ướt". Ở đó, cơ thể không thể tự điều hòa thân nhiệt bằng mồ hôi được nữa. Khi rơi vào tình trạng này, con người sẽ tổn thương não, suy tim và suy thận có nguy cơ cao hơn.