Thành công bước đầu của phương pháp ghép tế bào gốc chữa chứng rối loạn đại tiểu tiện do thoát vị màng não tủy mở ra hy vọng sống cho những người bị căn bệnh quái ác này.
15 năm khổ sở vì phải thụt phân, thông tiểu
Em Nguyễn Văn Thành (TPHCM) bị bệnh thoát vị màng não tủy bẩm sinh gây ra rối loạn đại tiểu tiện, không kiểm soát được việc đại tiểu tiện. Em bị bí tiểu và táo bón nên hằng ngày thường phải có người hỗ trợ thụt tháo phân, thông bọng đái 4 – 6h/lần.
Tình trạng bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà cả tâm lý. Em luôn mặc cảm, tự ti, kết quả học tập bị ảnh hưởng. Dù đã đi nhiều bệnh viện nhưng chưa có phương pháp điều trị nào có kết quả, tình trạng rối loạn đại tiểu tiện ngày càng nghiêm trọng. Thành đã bắt đầu có các dấu hiệu suy thận.
Được biết, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã ghép tế bào gốc điều trị thành công cho trường hợp rối loạn thần kinh ruột bẩm sinh và bàng quang, gia đình em đã đưa em ra Hà Nội để khám và tư vấn. Thấy Thành đã trải qua nhiều lần phẫu thuật mà kết quả chưa như mong muốn nên GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện cùng hội đồng chuyên môn đã quyết định áp dụng ghép tế bào gốc để điều trị với trường hợp này. Kết quả sau 6 tháng ghép 2 lần tế bào gốc, bệnh nhân đã có đã có phản xạ đại tiện
Lấy và cấy ghép tế bào gốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. |
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, thoát vị màng não tủy là bệnh bẩm sinh ở hệ thần kinh, do rối loạn trong quá trình phát triển của phôi thai. Biểu hiện của dị tật này là trẻ thường có một khối lớn ở vùng cột sống thắt lưng. Khối u này chứa dịch não tủy hoặc hỗn hợp dịch não tủy và rễ thần kinh. Đây là một bệnh có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và vận động của trẻ. Bệnh có thể khiến bệnh nhân bị liệt một phần hoặc hoàn toàn hai chân...
Đặc biệt, thoát vị màng não tủy thường gây ra rối loạn, khó kiểm soát đại tiểu tiện. Trẻ có thể bị bí tiểu hoặc nước tiểu chảy liên tục. Trẻ cũng thường bị táo bón hoặc són phân. Vì thế, người bệnh phải được thường xuyên thụt tháo phân và phải đặt thông bàng quang. Nhiều trẻ bị dị tật này nước tiểu có thể ứ lại lâu trong bàng quang, tạo điều kiện thuận lợi sự phát triển của vi khuẩn gây ra nhiễm trùng thận, nhiễm trùng bàng quang, suy thận. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở trẻ bị bệnh này.
Ghép tế bào gốc tránh biến chứng phẫu thuật
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, hiện tại, phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với thoát vị màng não tủy là phẫu thuật. Mục đích phẫu thuật chủ yếu là cắt bớt khối màng não bị thoát vị và dùng một vạt cân cơ che phủ phần cột sống bị tách đôi. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng không phải là phương pháp điều trị triệt để. Sau mổ có nhiều biến chứng như rò dịch não tủy, nhiễm trùng vết mổ hay các tổn thương các dây thần kinh.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm: “Thông tin trên thế giới cho thấy, Ấn Độ hiện đang nghiên cứu áp dụng ghép tế bào gốc với thoát vị màng não tủy. Vinmec cũng đã có những thành công và kinh nghiệm sau gần 3 năm nghiên cứu ứng dụng ghép tế bào gốc chữa một số bệnh từ các tổn thương thần kinh như bại não, tự kỷ...
Vì thế, chúng tôi quyết định áp dụng ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bị các di chứng thần kinh sau phẫu thuật thoát vị màng não tủy. Người bệnh được thu thập tế bào gốc từ tủy xương và truyền lại cơ thể qua tủy sống. Hiện tại, bệnh nhân đã truyền 2 lần vào tháng 8/2015, tháng 11/2015 và sắp tới sẽ truyền lần 3. Sự thành công bước đầu đã mở ra hy vọng mới cho các bệnh nhân mắc căn bệnh bẩm sinh này”.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa và trăn trở của thầy thuốc (nguồn VTV):