Sáng 14/1, chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Toản – chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô hàng nghìn con ở Khoái Châu (Hưng Yên) nói: “Giá lợn hơi dịp này tăng cao. Hôm nay, giá đã cán mốc 70.000 đồng/kg”.
Theo ông, mức giá này đã chạm đỉnh của năm 2024. Tuy nhiên, nguồn cung mặt hàng này không nhiều. Như trang trại của gia đình ông, sau khi xuất bán lợn hơi cách đây ít ngày, lứa tiếp theo khoảng tháng 2 mới được xuất chuồng.
Trên thị trường, giá lợn hơi xuất chuồng vào đà tăng từ giữa tháng 12 đến nay. Hiện, tại các địa phương, mặt hàng này đã tăng lên ngưỡng 66.000-70.000 đồng/kg. Điều này kéo theo giá thịt lợn móc hàm tại các đầu mối tăng 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại so với nửa tháng trước.
Giá thịt lợn tăng mạnh trước Tết Ất Tỵ. Ảnh: Nhật Sinh |
Tại chợ dân sinh, các loại thịt lợn như mông sấn, ba chỉ, chân giò, sườn thăn, nạc thăn, sườn non đều được điều chỉnh tăng từ 10.000-25.000 đồng/kg, lên mức 120.000-220.000 đồng/kg tùy loại.
Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, nhiều người chăn nuôi dè dặt trong việc tái đàn do lo ngại về dịch tả lợn châu Phi khiến lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường hàng ngày không được dồi dào như cùng kỳ năm ngoái, từ đó đẩy giá sản phẩm tăng mạnh.
Tình trạng giảm nguồn cung có thể khiến giá lợn hơi lập đỉnh mới khi vượt qua mốc 70.000 đồng/kg trong dịp Tết này.
Đáng chú ý, mức giá lợn hơi ở nước ta đang cao hơn 13.000–14.000 đồng/kg so với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia. Do đó, lợn nhập lậu, ăn chất cấm hay hàng bị dịch lại ồ ạt về Việt Nam, rồi tuồn ra chợ tiêu thụ.
Đơn cử, cuối tháng 12 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhóm đối tượng vận chuyển lợn từ Campuchia về Việt Nam có dấu hiệu không qua kiểm dịch thú y, không khai báo với các cơ quan chức năng, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Tang vật tạm giữ gồm 531 con lợn.
Trước tình trạng nhập lậu lợn diễn biến phức tạp, mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Chủ tịch UBND 6 tỉnh có đường biên giới với Campuchia gồm: Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang yêu cầu tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, protein động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Lợn nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ tại An Giang. Ảnh: Báo An Giang |
Bộ NN-PTNT cho biết, qua phản ánh của người dân địa phương và các cơ quan truyền thông, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật (bột hồng cầu và bột xương động vật) qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là biên giới với Campuchia. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, heo tai xanh.
Lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn thức ăn có chứa các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân, Bộ NN-PTNT cảnh báo.
Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu sở ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật vào Việt Nam.
Yêu cầu chủ tịch các tỉnh chỉ đạo chính quyền cấp xã, cấp huyện tổ chức thống kê số liệu, kiểm soát đàn lợn của địa phương, đặc biệt tại các địa phương có chung biên giới với Campuchia. Từ đó, để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc lợn được vận chuyển, nhập lậu.
Đồng thời, giao các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương khẩn trương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm bột xương thịt, protein động vật vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an) và các địa phương xử lý trường hợp vận chuyển lợn trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.
Trong đó, Bộ NN-PTNT tập trung kiểm soát mạnh chỉ tiêu chất cấm Salbutamol tồn dư trong nước tiểu gia súc và sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ. Ông nhấn mạnh, đây là tác nhân gây bệnh trên người và động vật, gây mất an toàn thực phẩm.