Khó khăn về tài chính buộc một số cô gái trẻ phải tìm đến con đường mại dâm, trong khi đó, một số chủ chứa buộc gái mại dâm Ấn Độ làm việc không công vì lý do chưa có tiền trả lương.
Tác động không nhỏ vào "ngành công nghiệp buôn người"
Phóng viên tờ The Guardian (Anh) đã liên lạc với 10 nhóm hoạt động chống buôn bán người ở Ấn Độ để khảo sát, đánh giá tác động quyết định gây sốc của Chính phủ Ấn Độ. Quyết định thu hồi đồng rupee mệnh giá 500 và 1.000 đã rút khỏi lưu thông 86% lượng tiền tệ ở Ấn Độ. Các nhà hoạt động xã hội nhận định, quyết định này đã tác động lớn vào "ngành công nghiệp mại dâm".
Quyết định đổi tiền đã tác động lớn vào "ngành công nghiệp buôn người" ở Ấn Đô. |
Kể từ tháng 11/2016, số phụ nữ và trẻ em gái được giải cứu và nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội giảm 90%. Tuy nhiên, khó khăn về tài chính đẩy cộng đồng người nghèo vào rào cản phát triển mới. Theo thống kê, Ấn Độ hiện có 18 triệu người sống trong cảnh nô lệ, khoảng 135.000 trẻ em được cho là bị buôn bán trong nước mỗi năm.
"Câu chuyện bắt đầu từ việc suy giảm số lượng khách hàng mua dâm. Sự khan hiếm khách hàng đồng nghĩa rằng, gái mại dâm không thể hành nghề. Trung bình mỗi tháng, Trung tâm bảo trợ của chúng tôi nhận và giúp đỡ từ 60-70 cô gái là nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục.
Tuy nhiên, kể từ 8/11, trung tâm chỉ tiếp nhận thêm 6 nạn nhân mới", Sunita Krishnan, người đồng sáng lập Prajwala, một tổ chức phi chính phủ (NGO) giải cứu, trợ giúp các nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục nói.
Ashok Rajgor, người phụ trách lĩnh vực điều tra của tổ chức Cứu trợ Ấn Độ cho biết, chưa có cuộc điều tra chính thức nào được tiến hành nhưng có thể thấy rõ sự tác động của chiến dịch đổi tiền trong thời gian vừa qua.
"Ít khách hàng hơn, điều đó cũng có nghĩa rằng, những tay buôn người ít vốn để mua và vận chuyển phụ nữ, trẻ em gái từ các bang như Jharkhand, Assam, Bihar đến các trung tâm để hoạt động mại dâm.
Khi mua một cô gái, các tay buôn người cần đến 200.000 rupee. Đó là khoản tiền lớn và rất khó để có được số tiền mặt như vậy vào thời điểm này", ông Ashok Rajgor nói. Tuy nhiên, ông Ashok Rajgor nói thêm rằng, chắc chắn, những kẻ buôn người sẽ tìm cách khác để hoạt động.
Gái mại dâm lao đao
Ruchira Gupta, người sáng lập của Apne Aap, một tổ chức NGO bảo vệ quyền phụ nữ có trụ sở làm việc tại Bihar, Mumbai, Delhi và Kolkata cho rằng, sự ra đời của tờ 2.000 rupee, trong khi nhu cầu sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, quá trình đổi tiền khó khăn có thể khiến những cô gái trẻ dễ bị tổn thương hơn.
"Thực tế cho thấy, do tác động tài chính, một số phụ nữ không có đủ tiền để mua thức ăn và con gái của họ có nguy cơ bị đẩy vào hoạt động mại dâm để kiếm tiền vì các khách hàng vẫn thích gái trẻ, trinh nữ. Những tay ma cô lấy 70% số tiền mà gái mại dâm kiếm được và hứa sẽ trả tiền mặt cho họ sau đó. Ngoài ra, cũng có gái mại dâm buộc phải làm việc không công.
Họ phải ngủ với khách hàng theo yêu cầu của chủ chứa để được bao nơi ăn, ở", Ruchira Gupta nói. Ruchira Gupta cho biết thêm, có chủ chứa vẫn trả cho gái mại dâm tiền mệnh giá 500 rupee cũ và buộc họ phải nhận. Gái mại dâm phải xếp hàng nhiều giờ tại ngân hàng chờ đổi tiền nên thu nhập cũng giảm đáng kể.
Swati Maliwal, người đứng đầu Ủy ban Phụ nữ ở Delhi cho biết, tổ chức của bà cũng đồng tình với nhận định của Ruchira Gupta. "Việc khai thác tình dục phụ nữ trên phố đèn đỏ GB đã tăng lên, gái mại dâm không được trả tiền tương xứng.
Để kiếm tiền, một số gái mại dâm đã ngủ với 30 khách hàng/ngày", bà Swati Maliwal nói. Phụ nữ là nạn nhân của tội phạm buôn người thiếu giấy tờ cần thiết để lập tài khoản ngân hàng.
Điều này gây khó khăn cho họ trong việc đổi tiền mới. "Có hàng ngàn phụ nữ không có giấy tờ tùy thân, không có tài khoản ngân hàng ngoài vài trăm rupee giấu trong áo", Urmi Basu, người đứng đầu tổ chức Foundation Light ở Kolkata nói.n