Nhân vật Lin Xiaojie trong chương trình truyền hình "Giá trị của một cô gái chiến thắng", kể về cuộc sống và sự nghiệp của một cô nàng bị xem là "gái ế". Ảnh: asianfanatics. |
"Tôi không chấp nhận quan niệm này", Li Yue, 34 tuổi, làm việc tại một tổ chức phi chính phủ Bắc Kinh nói. "Thực là nực cười. Anh nói tôi là gái bị bỏ lại, nhưng ai bỏ tôi lại? Tôi không cảm thấy mình ế. Tôi chỉ đang sống cuộc sống mình muốn mà thôi".
"Tôi thực sự bức xúc", Wang Man, 31 tuổi, nhân viên một tổ chức phi chính phủ cứu trợ đói nghèo, cũng bày tỏ thái độ tương tự. "Đến bây giờ, dù không quan tâm, tôi vẫn nghĩ có một âm mưu đằng sau đó. Đó là sự thống trị phụ nữ, họ bảo chúng tôi phải làm gì, ở đâu, khi nào. Mọi người đang cố ép chúng tôi hy sinh bản thân để chăm sóc chồng con và những người già cả".
Tại Trung Quốc, số nam giới dưới 30 tuổi nhiều hơn số nữ giới cùng độ tuổi này 20 triệu người, theo các thông tin chính thức, chủ yếu là do nạn phá thai chọn giới tính bởi quan niệm sùng con trai hơn con gái của nhiều bậc phụ huynh. Vậy thì tại sao hiện tượng "gái ế" lại phổ biến đến vậy?
Có phải những người đàn ông tuyệt vọng không thể lọt vào mắt xanh của những cô gái ngày nay? Theo quan điểm truyền thống, đàn ông phải có thu nhập cao hơn để chăm lo cho phụ nữ, có nghĩa là khi phụ nữ kiếm được ngày càng nhiều tiền thì họ càng tự giải phóng bản thân khỏi hôn nhân.
Khi cụm từ gái ế - shengnu - khiến những phụ nữ như Liu hay Wang phản kháng ngày càng mạnh mẽ, một sự đáp trả đã xuất hiện. Các cô gái nói rằng "vâng, chúng tôi là shengnu, nhưng là sheng với ý nghĩa 'chiến thắng', chứ không phải là ế".
Cách chơi chữ này dựa trên thực tế là chữ "sheng" có rất nhiều nghĩa khác nhau trong tiếng Trung, phụ thuộc vào ký tự viết ra là gì: hoặc là "ế" hoặc là "chiến thắng" (hoặc "thành công"). Tiếng Trung Quốc có rất nhiều từ đồng âm khiến việc chơi chữ trở thành một trò tiêu khiển rất phổ biến.
Nỗ lực tái định nghĩa từ "shengnu" càng được tiếp sức nhờ một chương trình truyền hình bắt đầu phát sóng từ tháng 7 năm ngoái với tựa đề "Giá trị của một cô gái chiến thắng". Chương trình kể về cuộc sống lãng mạn và sự nghiệp của cô nàng độc thân Lin Xiaojie, một nhân vật hư cấu do diễn viên Đài Loan Trần Kiều Ân thủ vai. Cô gái tên Lin xinh đẹp và cá tính thường xuyên gặp trục trặc khi hẹn hò với các chàng trai quyến rũ, nhưng cô có sự nghiệp rất thành công.
Dù bị một số người chê là vớ vẩn, chương trình vẫn gây được ảnh hưởng rộng rãi trong việc truyền bá khái niệm "phụ nữ chiến thắng" như sự thay thế mang tính động viên về tinh thần đối với những phụ nữ độc thân, và giúp họ tự tin hơn.
"Trong loạt chương trình này, sự biến hóa hoàn hảo của nhân vật Lin Xiaojie từ một gái ế thành một phụ nữ chiến thắng chỉ ra rằng trong thế giới đang chuyển động này, hãy mạnh mẽ và chịu trách nhiệm về số phận của mình thay vì để người khác điều khiển tương lai của bạn", trang iQiyi.com, một trong web phim Trung Quốc lớn, kết luận về ý nghĩa của chương trình.
Trang này đưa ra 10 lời khuyên thực tế đối với các cô gái trẻ, trong đó có "Đừng hư hỏng nhưng cũng đừng ngoan hiền quá. Hãy học cách làm ngơ những đồng nghiệp. Và đừng sa vào tình yêu với sếp".
Thậm chí các cả phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, vốn lâu nay vẫn cảnh báo các cô gái trẻ về những lợi bất cập hại của việc trở thành "gái ế", nay cũng đang dần dần ủng hộ quan điểm mạnh mẽ của họ.
Trang blog chính thức của People’s Daily gần đây đăng một bài viết nêu quan điểm rằng, phụ nữ "ế" không việc gì phải thất vọng.
"Phụ nữ ế, đừng bi quan. Ở Trung Quốc số nam giới dưới 30 tuổi nhiều hơn nữ giới đến 20 triệu người. Thế thì tại sao lại có nhiều gái ế như thế được?", bài viết có đoạn. "Phải chăng phụ nữ đặt ra những tiêu chuẩn chọn bạn đời quá cao?".
"Các cô gái tự do và có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Khi Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh chóng, shengnu có thể trở thành một khái niệm mang tính tích cực".
Đối với Liu, "chiến thắng" tốt hơn là "ế", "nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ độc thân là một chiến thắng hay một kiểu tranh đấu", cô nói. "Chúng tôi có quyền chọn lựa những gì chúng tôi muốn làm. Vì thế chúng tôi có thực sự cần phải dùng một từ như thế để mô tả một điều bình thường không?".
Wang cũng đồng tình với ý kiến trên. "Tôi đã nghe về cụm từ này nhưng tôi không nghĩ gì đến chuyện thất bại hay chiến thắng cả", cô nói. "Đó chỉ là một cách sống. Nếu tôi phải lựa chọn, tất nhiên tôi sẽ chọn vinh quang nhưng vẫn cảm thấy có đôi chút mệt mỏi".
Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều phụ nữ trên 25 tuổi đang sống dưới áp lực lớn của chuyện phải lấy chồng. Độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ ở Trung Quốc là 20, vì thế cơ hội cho những phụ nữ trên 25 thoát khỏi cái mác này là rất mong manh.
Không quan tâm "shengnu" là gái ế hay gái chiến thắng, nhiều phụ nữ trẻ độc thân ở Trung Quốc chọn quan điểm trung dung. "Tôi không hoàn toàn tự hào về chuyện độc thân", Zhou Wen, 27 tuổi, chưa kết hôn, thư ký của một công ty marketing ở Bắc Kinh nói. "Nhưng ít nhất cũng nên cho rằng đó là một từ không mang sắc thái gì đặc biệt, không hoàn toàn quá tệ".
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: