Trong quý 2, Fortex ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh 96% về còn hơn 8 tỷ đồng, lỗ gộp hơn 1,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp đến 6,5 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính không đáng kể, chi phí tài chính tăng đến 45% lên 27 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp xấp xỉ so cùng kỳ.
Đáng chú ý, kỳ này Fortex ghi nhận lỗ khác đến 23 tỷ đồng, theo thuyết minh phần lớn khoản lỗ này là do chi phí dừng sản xuất ghi nhận gần 46 tỷ đồng.
Sau cùng, Fortex báo lỗ lên đến 57 tỷ đồng, lỗ nặng hơn so với mức lỗ 17 tỷ đồng của cùng kỳ. Đây là quý lỗ thứ 6 liên tiếp của Công ty kể từ quý 1/2019.
Nguồn: FTM |
Kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống của Công ty là do một loạt khó khăn đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như các khách hàng từ thị trường chính là Trung Quốc đang trả giá rất thấp; các thị trường mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đơn hàng nhỏ và hạn chế.
Bên cạnh đó, Công ty còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi FDI trong nước, các doanh nghiệp từ các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lam, Indonesia, Pakistan.
Thêm vào đó, biên độ tăng của giá bán FTM không cao do sự cạnh tranh về giá từ các đối thủ, có dấu hiệu phá giá để tránh tồn kho.
Bán niên 2020, Công ty ghi nhận doanh thu thuần chưa tới 1/10 so cùng kỳ ở mức 40 tỷ đồng và lỗ đến 102 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tại ngày 30/6 của Fortex ghi nhận hơn 97 tỷ đồng.
Năm 2020, FTM đặt mục tiêu 799 tỷ đồng doanh thu, gần 5 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau nửa năm, FTM mới chỉ thực hiện được 5% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.