Những ngày qua, sau khi việc cá chết được phản ánh, rất nhiều độc giả cũng như người dân làm nghề biển và nuôi cá bị chết quanh khu vực Vũng Áng cho rằng, nguyên nhân cá chết có thể do nước xả thải ra môi trường của các nhà máy trong và ngoài khu vực Vũng Áng. Trong đó, nghi vấn chính tập trung vào Cty FHS xả thải qua đường ống kéo dài hơn 1km ra biển.
Ống nước thải đường kính 1m, kéo dài 1,5km ra biển của Cty FHS. |
Để có thông tin đa chiều, chiều qua, 21/4, PV Tiền Phong có cuộc làm việc với ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Cty FHS. Trước khi bước vào phòng làm việc, ông Kiệt ôm một tập tài liệu dày cộm thấy chi chít hình ảnh cá chết được in ra. “Trước hết tôi khẳng định Cty FHS rất quan tâm đến sự việc cá chết trong những ngày qua. Tất cả các bài viết về việc này đều được chuyển ngữ để Cty theo dõi, nghiên cứu”, ông Kiệt mở đầu cuộc trao đổi. Theo vị phụ trách bộ phận môi trường, bản thân ông chưa hiểu được tại sao lại xảy ra sự việc này. Theo ông Kiệt, hệ thống xả thải của Cty FHS trước khi được thải ra biển các điểm xả thải phải tập trung về một chỗ. Sau đó nước thải đi qua một trạm quan trắc tự động.
“Toàn bộ số liệu về môi trường nước được trạm báo về máy hằng ngày. Tất cả đều đạt các chỉ số an toàn rồi mới được cho ra biển”, ông Kiệt nói. Vậy có hay không Cty FHS có một đường ống xả thải kéo dài và nằm ở tầng đáy ngoài biển? Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Kiệt khẳng định đây là ống xả thải của Cty.
“Ống xả thải này là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Đường ống này có đường kính 1m, kéo dài 1,5km ra thẳng ngoài biển và nằm ở tầng đáy. Ống xả này được sự cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam”, ông Kiệt nói. Theo đó, bình quân Cty FHS mỗi ngày xả khoảng 12 nghìn khối nước thải ra môi trường qua ống thải này.
Vị đại diện của Cty FHS cho rằng, vụ việc kéo dài gây cá chết từ Hà Tĩnh đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. “Cty FHS mong các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự việc. Nếu Cty báo cáo kết quả sẽ không khách quan. Tại sao các cơ quan chức năng Việt Nam không làm khẩn trương mà cứ để sự việc kéo dài”, Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường Cty FHS nhấn mạnh.
Trả lời nghi vấn của PV Tiền Phong về việc thời gian gần đây, Cty FHS nhập về một lượng hóa chất lớn để xử lý đường ống, đại diện Cty FHS nói: “Đúng là Cty có nhập một lượng lớn hóa chất. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân gây ra sự việc, vì các số liệu tại trạm quan trắc tự động thể hiện điều này”.
Sau buổi làm việc, đại diện Bộ phận an toàn vệ sinh môi trường dẫn PV cùng thị sát đường ống xả thải ra biển và trạm quan trắc tự động trước khi nước được xả thải ra biển.