Báo cáo tuần từ 15-19/5 của Chứng khoán BSC vừa công bố với chủ đề "Canh chốt lãi từng phần khi VN-Index tiến đến vùng kháng cự".
Chuyển biến tích cực nhờ thông tin quỹ ngoại tiếp tục rót vốn
Thông tin quỹ China Trust Vietnam Opportunity dự kiến huy động dự kiến khoảng 163 triệu USD và NHNN xem xét hạ lãi suất đã giúp thị trường bật tăng mạnh từ vùng giá thấp.
VN-Index tăng 2.6%, mức tăng trên diện rộng từ 70% cổ phiếu và 14/19 ngành tăng điểm. Nếu như sự tăng giá của các cổ phiếu vừa và nhỏ trong vài tuần gần đây không ảnh hưởng đến chỉ số thì sự quay lại của các cổ phiếu lớn ngành ngân hàng và bất động sản là động lực quan trọng giúp chỉ số vượt qua các ngưỡng cản nhanh chóng.
Thanh khoản cải thiện nhưng tăng chậm vẫn cho thấy tâm lý cẩn trọng của nhà đầu tư. Tuần này VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong nghi ngờ và hướng về 1,080 – 1,100 điểm vùng giá trên của kênh tích lũy từ đầu năm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lãi từng phần ở các nhịp tăng giá mạnh để có thể chủ động hơn cho hoạt động trading ngắn hạn khi hoạt động mua vào của Quỹ bão hòa.
Trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 23, Ủy ban kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không căng thẳng như cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và tháo gỡ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Cuộc họp này diễn ra trước kỳ họp Quốc hội khai mạc 22/5 tới đây.
Dự báo xu hướng dòng vốn ngoại trong thời gian tới
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Dòng vốn này thông thường được đánh giá trên các thị trường chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu), các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Mới đây, quỹ China Trust Vietnam Opportunity (thuộc CTBC Investment) sẽ huy động vốn lần thứ 5 với giá trị khoảng 5 tỷ Đài tệ khoảng 3.824 tỷ đồng để đầu tư vào TTCK Việt Nam – đây là tín hiệu cho thấy sự lạc quan đang quay trở lại sau thời gian dài trầm lắng và liên tục rút ròng của dòng tiền nước ngoài.
Hoạt động trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu: Dòng tiền khối ngoại có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong giai đoạn sắp tới khi các rủi ro vĩ mô thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường đặc biệt là cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng tại châu Âu và Hoa Kỳ nhiều khả năng chưa dừng lại trong bối cảnh môi trường lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao sau quyết định nâng lãi suất điều hành của Fed và ECB vào đầu tháng 05/2023.
Thị trường có thể sẽ chứng kiến sự rút ròng của NĐTNN thông qua các ETF và hoạt động mua/bán trực tiếp trên thị trường nếu suy thoái xảy ra và các sự kiện tiêu cực tiếp tục xuất hiện, ở chiều ngược lại với sự điều chỉnh linh hoạt trong chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ sẽ tạo tiền để để NĐTNN tin tưởng đầu tư vào Việt Nam khi thế giới không quá bất ổn.
Hoạt động M&A: Theo nhiều ý kiến nhận định giai đoạn trầm lắng của nền kinh tế hiện nay được xem là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tầm nhìn dài hạn củng cố vị thế, thâm nhập thị trường sâu hơn, sẵn sàng chinh phục các đỉnh cao mới khi bước vào chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng trong nước đang tích cực tìm đối tác nước ngoài khi dự kiến trong năm nay sẽ có 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó, có 2 ngân hàng nhận chuyển giao đề xuất được nâng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%. Do đó hoạt động M&A trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và thách thức.
Theo BSC, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính trong nước, giảm thiểu chi phí vốn thông qua việc đa dạng hóa rủi ro cũng như thúc đẩy cải cách thế chế, tăng cường cơ chế giám sát của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, với đặc tính ra vào rất nhanh của dòng vốn này có thể sẽ khiến hệ thống tài chính dễ bị tổn thương hơn khi phải gặp các cú sốc lớn.
Với quy mô 100 triệu dân cùng nền kinh tế năng động với tiềm năng tăng trưởng cao, hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới – Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư của NĐTNN trong thời gian tới.
Mặt khác, trong trường hợp Việt Nam được MSCI và FTSE xem xét nâng hạng lên TTCK mới nổi thị trường chứng khoán hứa hẹn sẽ có khả năng đón nhận dòng vốn từ 3,5 – 4 tỷ USD từ các Quỹ đầu tư chủ động, quỹ ETF bên cạnh các lợi ích lớn lao ở các lĩnh vực, hoạt động khác.