Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Hà Nội những ngày qua diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm liên tục ở ngưỡng gần 2000 ca/ngày, số bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị và bệnh nhân tử vong cũng tăng.
Một trong những giải pháp được Hà Nội đưa ra là tăng cường điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, giảm tải cho y tế tuyến trên, tập trung cứu chữa người có triệu chứng trung bình nặng và nguy kịch. Hiện Hà Nội có hơn 14000 F0 đang điều trị tại nhà (chiếm 70%) và dự kiến sẽ tăng lên 90% F0 điều trị tại nhà.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, nếu Hà Nội triển khai được 80 đến 90% F0 nhẹ, không triệu chứng cách ly, điều trị tại nhà thì rất tốt. Việc này sẽ giúp giảm tải cho tuyến đầu thu dung, điều trị, tránh nguy cơ quá tải ở ngay tuyến phân loại ban đầu.
Hà Nội cần tăng cường hệ thống y tế tư vấn từ xa để hỗ trợ người dân. |
“Hầu hết các trường hợp F0 là nhẹ và không triệu chứng. Việc cách ly, điều trị số F0 này tại nhà, người dân cũng lợi và ngành y tế cũng lợi. Người bệnh không phải đi điều trị tập trung, chữa bệnh cần nhiều yếu tố chứ không chỉ mỗi thuốc men. Ở nhà thuốc điều trị cũng được cung cấp, chuyện ăn ngủ nghỉ thoải mái hơn mà nơi điều trị tập trung COVID-19 không thể đáp ứng được. Hơn nữa, cứ mỗi ngày ghi nhận thêm gần 2000 ca như vậy, ngành y tế không đủ nhân lực để làm. Ví dụ mỗi người một giường bệnh, bài học ở TP HCM cho thấy, xây thêm mỗi ngày một bệnh viện dã chiến cũng không đủ”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho biết.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, Hà Nội cần phải nhanh chóng thiết lập, tăng cường các mạng lưới hệ thống y tế tư vấn từ xa để hỗ trợ người dân.
“Bây giờ cơ chế khám bệnh từ xa chưa có nên phải tập hợp các đội tình nguyện tư vấn. Mỗi quận, huyện mà có được một đội tình nguyện gồm nhiều bác sĩ, thầy thuốc ở các chuyên ngành khác nhau nghỉ hưu sức khỏe tốt mà chúng ta có cơ chế danh chính ngôn thuận mời họ tham gia. Thực tế có nhiều người muốn tham gia nhưng không biết tham gia ở đâu, có người thì lại lợi dụng. Nếu tổ chức tốt sẽ giải quyết được. Nhiều người chưa nghỉ hưu và vẫn đang đi làm vẫn có thể tham gia, ngày dành một vài tiếng tư vấn hỗ trợ và họ sẵn sàng tham gia”, ông Hùng nói.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng chỉ ra một thực tế, hiện các trạm y tế phường, xã, các nhân viên y tế đã vất vả và cũng không quen công tác chăm sóc người bệnh. Họ làm về y học dự phòng, y tế công cộng nên giờ điều trị F0 như thế nào, triệu chứng dù tập huấn nhưng vẫn không thể bằng các bác sĩ. Do đó, Hà Nội cần tổ chức mạnh mẽ hơn hệ thống tư vấn từ xa với sự tham gia của các bác sĩ tình nguyện, bệnh viện tư nhân hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật.
“TP HCM đã thành công khi thiết lập nhiều mạng lưới với mỗi nhóm khoảng 15-30 chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành để hỗ trợ F0 điều trị, cách ly tại nhà không chỉ về bệnh COVID-19 mà còn các bệnh lý khác nhằm tránh quá tải hệ thống điều trị. Hà Nội cũng cần học TP HCM thành lập trung tâm điều phối thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus. Trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 1.700 ca nhiễm, nếu cứ loanh quanh với thủ tục hành chính sẽ chậm cấp phát thuốc cho người dân, giảm hiệu quả điều trị”, ông Hùng nói.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng. |
Một vấn đề được PGS.TS Nguyễn Việt Hùng lưu ý, khi điều trị F0 tại nhà, một vấn đề đáng quan tâm đó là cách ly để không lây nhiễm ra cộng đồng.
“Luật đã quy định, nếu anh bị nhiễm hoặc là F1 mà đi lại lung tung thì vi phạm quy định về phòng chống dịch nhưng Hà Nội cũng cần phải tăng vai trò của tổ Covid cộng đồng, có thể đi chợ, mua thuốc giúp dân để bệnh nhân an tâm điều trị tại nhà, tránh tình trạng do bí bách mà F0 lại ra khỏi nhà sẽ rất nguy hiểm”, ông Hùng lưu ý.
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng hiện số ca bệnh ở Hà Nội có thể vẫn nằm trong dự đoán trước, nhưng để kiểm soát, tránh gia tăng về số ca bệnh khiến hệ thống y tế quá tải thì Hà Nội không thể trông chờ vào ý thức người dân, mà hệ thống chính quyền phải giám sát.
Dự đoán về diễn biến dịch tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, Hà Nội có thể sẽ tăng nhanh số ca nhiễm mới nhưng không rơi vào tình trạng như TP HCM thời gian trước. Tỷ lệ tử vong và chuyển nặng của Hà Nội thấp hơn nhiều so với TP HCM. Hà Nội có lực lượng y bác sĩ và nhiều cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương lớn, nhiều kinh nghiệm trong chống dịch nên thuận lợi hơn.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tính đến hết ngày 28/12, thành phố có 20.156 F0 đang điều trị; trong đó, có 14.226 người điều trị, cách ly tại nhà (chiếm hơn 70%), số còn lại điều trị tại bệnh viện, các cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện. Trong đó, ca bệnh nặng của Hà Nội là 315 ca (chiếm hơn 1,5%). Tính từ ngày 29/4 đến nay, thành phố đã ghi nhận 131 người tử vong do COVID-19. Đặc biệt, trong 2 ngày gần đây (28 và 29/12), trung bình ghi nhận 11 ca tử vong/ngày. Báo cáo của các bệnh viện tại Hà Nội cho thấy, đa số trường hợp mắc COVID-19 tử vong đều có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin.
Đề cập đến tình trạng số ca mắc tăng cao trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố, Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, số ca mắc tăng cao như hiện nay đã nằm trong kịch bản được lường trước, thành phố đã có kịch bản ứng phó. Hà Nội đang thực hiện chủ trương sống thích ứng, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Với ca mắc tăng cao, việc cần làm ngay là giảm tỷ lệ tử vong, chuyển tầng điều trị bệnh nhân nặng.
Trong bối cảnh hiện tại, ngành Y tế thành phố đang nỗ lực để bảo vệ người yếu thế, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, giảm tỷ lệ tử vong ở những trường hợp này. Hà Nội cũng triển khai các tổ y tế lưu động tiêm ngay tại nhà cho những người yếu thế, người có bệnh lý nền, những người không thể đến cơ sở y tế để tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay, việc F0 thể nhẹ được điều trị tại nhà cũng sẽ giảm tải rất lớn cho các bệnh viện tầng 2, tầng 3.
Để đáp ứng được yêu cầu điều trị khi số ca bệnh tăng nhanh, theo bà Trần Thị Nhị Hà, thành phố sẽ phải phân tải được bệnh nhân điều trị tại nhà, giúp giảm tải hệ thống y tế. Để làm tốt điều này, y tế cơ sở phải chăm sóc F0 thật tốt, cung cấp thuốc điều trị sớm để tránh quá tải tuyến trên. Ngành Y tế thành phố rất cần sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở để theo dõi, quản lý F0 tại nhà, tránh việc đi lại, giao lưu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Theo kịch bản, thời gian tới khi Hà Nội có thể ghi nhận đến 3.000 ca mắc COVID-19/ngày, hệ thống y tế sẽ điều trị tại bệnh viện cho khoảng 8-10% bệnh nhân, còn 90% bệnh nhân điều trị tại nhà. Tỷ lệ tiêm chủng ở thủ đô rất cao, đang tiếp tục tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ người dân và tiêm mũi nhắc lại cho người suy giảm miễn dịch. Như vậy, 90% F0 tại nhà này sẽ nhẹ, không có triệu chứng và "chỉ là những người nhiễm".
>>> Mời độc giả xem thêm video Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong dịch Covid-19:
Nguồn: THĐT