Ngày 9/8, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh ký văn bản gửi các cơ sở y tế điều trị COVID-19, nơi cách ly tập trung về việc cập nhật Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 cách ly tại nhà.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian qua, bên cạnh hơn 50.000 người được điều trị COVID-19, vẫn còn những trường hợp mắc COVID-19 xuất hiện triệu chứng nhưng chưa kịp đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, sau đó diễn tiến nặng.
Dựa theo bản cập nhật hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở cách ly tập trung, tổ phản ứng nhanh dự trù và cung ứng các thuốc thiết yếu như thuốc hạ sốt, nâng cao thể trạng, kháng viêm corticoid dạng uống để cung cấp cho người COVID-19 cách ly tại nhà khi có chỉ định.
Nhân viên y tế mang bình oxy để hỗ trợ hô hấp cho F0 tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bên cạnh hướng dẫn cụ thể khi F0 cách ly tại nhà và liệt kê nhiều loại thuốc thiết yếu, Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn bổ sung thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.
Thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống được chỉ định cho trường hợp F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
1. Thuốc kháng viêm corticoid, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau:
- Dexamethasone: Người lớn: 6 mg/lần/ngày. Trẻ em: 0,15 mg/kg/ngày (tối đa 6 mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
- Prednisolone: Người lớn: 40 mg/lần/ngày. Trẻ em: 1 mg/kg/ngày (tối đa 40 mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
- Methylprednisolone: Người lớn: 16 mg/lẫn, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ. Trẻ em: 0,8 mg/kg/lần, 2 lần/ngày cách 12 giờ (tối đa 32 mg/ngày), uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối).
2. Thuốc kháng đông dạng uống
Rivaroxaban: 10 mg/lần/ngày, uống sau khi ăn, thời gian sử dụng tối đa 7 ngày.
Lưu ý khi sử dụng, bệnh nhân cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...). Thận trọng ở người trên 80 tuổi. Chống chỉ định đối với phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu.
Khi xuất hiện các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở..., bệnh nhân cần liên hệ nhân viên y tế bằng cách gọi tổng đài 1022, bấm phím 3 để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc phím 4 để được tư vấn từ thầy thuốc đồng hành.
Bệnh nhân cũng có thể gọi đến Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí.
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus mới SARS-CoV-2 của Bộ Y tế cập nhật bản mới nhất có khuyến cáo sử dụng thuốc kháng đông heparin tiêm dưới da cho những trường hợp có độ nặng từ trung bình trở lên.
Thuốc kháng đông dạng uống Rivaroxaban là loại thuốc kháng đông non-heparin mới, được dùng trong dự phòng đột quỵ và huyết khối ở người bệnh rung nhĩ, dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở người bệnh thay khớp háng, khớp gối.
Hiện nay, trên thế giới, thuốc này được nghiên cứu thử nghiệm đánh giá hiệu quả ngăn ngừa huyết khối trên người mắc COVID-19, tuy nhiên vẫn chưa đủ chứng cử khoa học để đưa vào phác đồ điều trị.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang bùng phát với nhiều trường hợp chuyển nặng tại nhà như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo có thể sử dụng thuốc này theo hướng dẫn như trên nhằm hạn chế tỷ lệ chuyển nặng tại nhà.
Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện tăng cường nghiên cứu ứng dụng thuốc này trong điều trị COVID-19 nhằm đóng góp vào kho dữ liệu khoa học của ngành, làm căn cứ để kiến nghị Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế bố sung vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 trong thời gian tới.