Chị Nụ vừa dán cái “Lịch học tết” lên tủ vừa giảng giải: “Đây nhé, năm nay nghỉ tết từ 29 đến mùng 5 âm lịch, tổng cộng là 7 ngày. Ngày 29 sáng học Toán, chiều luyện thi tiếng Anh trên mạng, ngày 30 sáng học Vật lý, chiều học...”. Thằng cu Nam con chị giãy nảy: “Không, không mẹ ơi, nghỉ tết sao lại còn phải học”. Chị cốc vào đầu nó: “Không học thì để ăn tết xong lú mề, quên hết bài vở à? Năm nay mà không đỗ vào trường chuyên thì tôi cho ở nhà chăn lợn”. Có lẽ đây là cái Tết kinh hoàng đag chờ đón cậu.
Nam đang học lớp 9, từ đầu năm đến giờ bị mẹ bắt học đến hoa cả mắt. Ngoài học chính thức ở trường cu cậu còn phải học thêm buổi tối và học kín luôn cả ngày thứ 7, chủ nhật. “Kiểu gì cũng phải đỗ trường chuyên”. Mẹ cậu bảo thế. Mẹ đưa ra hàng tỷ cái lý do sán lạn khi đỗ vào trường chuyên, cứ như thể thi đỗ là vinh quy bái tổ, ngồi kiệu về làng như thời xửa thời xưa ấy.
Ngày Tết luôn là dịp vui sum vầy của cả người lớn và trẻ nhỏ |
Khi nhà trường thông báo lịch nghỉ tết, chúng bạn vui mừng hò reo còn Nam thì tiu ngỉu. Cậu nhớ cái lịch học Tết mà mẹ in đỏ chót treo lù lù trên cánh tủ mà một cục nghẹn cứ trào lên cổ. Thế là coi như không có tết.
Tối đến cả nhà quây quần bên mâm cơm, mẹ giao việc cho bố: “Năm nay thằng Nam thi vào chuyên cho nên phải học cả cái tết này, vì thế anh phải lo tết cho cả nhà đấy. Còn cái Liên thì chịu trách nhiệm đi mua hoa đào, thổi bóng bay, trang trí nhà cửa, lau màng nhện....”. Cả bố và em Liên đều răm rắp tuân lệnh. Hóa ra cả nhà ai cũng đặt nhiệm vụ học tập và thi đỗ trường chuyên của Nam lên hàng đầu cho nên mẹ sắp đặt thế nào là cứ y lệnh mà làm.
Bữa cơm 30 tết do bố chuẩn bị trông mới thảm hại làm sao. Con gà thì chặt nát bét bày lổn nhổn trên mâm, cái bánh trưng thì cắt mỗi khúc một kiểu chồng lên nhau như cái tháp, giò thì cắt nham nhở như cái răng cưa, nồi thịt đông thì trông cứ như món canh thịt nấu với mộc nhĩ. Thiếu bàn tay của mẹ cái mâm cỗ tết chẳng khác gì một cuộc biểu tình của những tảng thịt, thích đâu thì nhảy múa ở đấy, lổn nhổn khắp mặt mâm.
Mẹ vừa ăn vừa dặn bố: “Lần sau chặt gà thì phải nhằm cho trúng rồi mới hạ đao, chứ chặt mấy phát mới đứt thế này thì nát bét, thịt xương lẫn lộn. Nấu đông thì cho nhiều thịt mỡ vào và thêm muối, như thế này thì giống nhai thịt luộc...”.
Mùng 2 tết ông bà nội từ quê lên chơi phải tự tay vào bếp để làm cơm vì mấy món bố nấu không ăn được. Cái Liên thì mỗi việc dọn dẹp rửa bát thôi mà 2 ngày làm vỡ 3 cái bát, bà nội phải vào cuộc kẻo chưa hết tết đã không còn bát mà ăn cơm. Còn mẹ với Nam thì chỉ xuất hiện vào 3 bữa ăn, chủ yếu là đóng cửa cùng nhau “ôn thi”.
Ngày mùng 4 tết, mẹ phải đi chúc tết sếp cho nên để Nam tự học. Trong đầu cậu lúc này không còn nghĩ gì đến mấy con số nữa, cậu chỉ có một khao khát là thoát khỏi đống sách vở này để đi đâu đó, đi đâu cũng được, miễn là đi.
Nam ôm con lợn đất của cậu rồi xuống bếp đập luôn. Cậu gom hết số tiền bỏ vào túi rồi đến thẳng bến xe. Đến trưa, chị Nụ về nhà thì không thấy con đâu, chờ đến chiều tối vẫn chưa thấy Nam về, cả nhà tá hỏa bổ đi tìm. Chị Nụ ngồi khóc tu tu. Cái Liên loanh quanh một hồi rồi như chợt nghĩ ra cái gì ghê gớm lắm, nó phán: “À con biết rồi, anh Nam học nhiều quá nên bị tẩu hỏa nhập ma, bỏ nhà đi lang thang rồi. Ở lớp con cũng có một bạn bị mẹ bắt học nhiều quá nên ra sông tự vẫn, may mà có người cứu”. Đang lúc nước sôi lửa bỏng, câu nói của con khiến chị Nụ nhảy dựng lên như ngồi phải hòn than. “Thôi chết rồi hay là nó quẫn trí nhảy cầu tự tử...”. “Phỉ phui cái mồm nhà chị”. Mẹ chồng chị nghe thấy mắng con dâu... Mỗi người một ý, cả nhà loạn lên như ong vỡ tổ.
5 giờ sáng, dì Huệ ở Lào Cai gọi điện báo cho cả nhà biết Nam đã lên trên đó. Chị Nụ nước mắt trào ra nhưng vẫn cứng rắn. “Dì bắt nó về ngay đây, tôi phải cho nó một trận...”.
Dì Huệ thì cười khì khì rồi bảo: “Ngày xưa, chị em mình mỗi ngày chỉ học một buổi học rồi về nhà tự học, lại có thời gian chơi thoải mái, nghỉ hè không phải động đến sách vở, thế mà giờ ai cũng tiến sỹ, thạc sỹ cả. Bây giờ chị bắt thằng bé học nhiều như thế thì lấy đâu ra thời gian để tư duy nữa, không những làm cho tư duy của nó không phát triển được mà còn gây áp lực cho con, khiến nó hoảng sợ và tiêu cực khi nghĩ đến bài vở. Cái Tết là dịp để trẻ nghỉ ngơi, chơi vớ bạn bè, thăm nom ông bà, họ hàng thì lại nhốt nó trong bốn bức tượng bắt học. Nếu chị không muốn biến con thành một đứa tay nhặt lá chân đá ống bơ thì tạm ngưng cái việc nhồi nhét lại đã, nếu không em nhất quyết không cho thằng bé về đấy đâu”.
Trước nhứng lý lẽ cứng rắn của dì Huệ, chị Nụ đành chịu thua. Sau vài ngày vui chơi thoải mái ở miền núi, dì Huệ đích thân đưa Nam về tận nhà. Điều khiến Nam sung sướng nhất là sau một đêm tâm sự với dì Huệ, mẹ cậu đã tuyên bố: “Đỗ chuyên hay không không quan trọng, miễn là con trai mẹ sau này lớn lên có thể làm chủ cuộc sống và luôn hạnh phúc, vui vẻ.”.
Cái Liên nghe thấy thế thì tủm tỉm cười, dí mũi vào cây đào ngửi ngửi mấy bông hoa đào nở muộn. Năm sau con bé cũng thi chuyển cấp, nó sẽ không phải trải qua một cái tết kinh hoàng như anh trai nó nữa.