Enterprize Energy đầu tư điện gió Bình Thuận 12 tỷ USD: Doanh nghiệp “nội” buồn?
(Kiến Thức) - Trước khi Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) được ủng hộ xúc tiến dự án điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận, đã có nhiều doanh nghiệp trong nước triển khai nhiều dự án điện gió.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có buổi làm việc với ông Greg Hands, Thứ trưởng Thương mại Vương quốc Anh và ông Ian Raymond Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) để xúc tiến dự án điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận.
Dự án điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận ước tính được Tập đoàn Enterprize Energy đầu tư tổng cộng 12 tỷ USD và có công suất 3.400MW.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ ý tưởng đầu tư của Tập đoàn sau khi khảo sát thực địa, nhất là dự án sẽ bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, đồng thời hoan nghênh Tập đoàn có ý định đầu tư xây dựng lưới truyền tải cho dự án. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây là dự án đầu tiên được đề xuất ở Việt Nam với quy mô và tổng mức đầu tư lớn, công nghệ mới hiện đại, có thể có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Việt Nam, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm thúc đẩy dự án được triển khai thuận lợi nhất.
|
Hiện có 9 dự án điện gió nối lưới với tổng công suất khoảng 440 MW đang vận hành. Ảnh: Đức Thanh. |
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gia nhập lĩnh vực tiềm năng sinh lợi cao điện gió như: Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam, Công ty TNHH Phong Điện Lạc Hòa, Công ty TNHH Phong Điện Hòa Đông, Công ty cổ phần Năng lượng Sóc Trăng, Công ty cổ phần FECON, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Xuân Cầu, Công ty Pacific, Tập đoàn Thành Công Group, BCG Bamboo Capital, Tập đoàn Trường Thành hay Tập đoàn Hà Đô…
Tuy vậy, trước việc Tập đoàn Enterprize Energy xúc tiến dự án điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận 12 tỷ USD, dư luận đã đặt câu hỏi: Nếu Tập đoàn này được chấp nhận đầu tư, doanh nghiệp làm điện gió trong nước có gặp khó khăn không?
Trả lời báo giới trước đó, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, hiện Việt Nam có 9 dự án điện gió nối lưới với tổng công suất khoảng 440 MW đang vận hành.
Ngoài ra, vừa có thêm 91 dự án điện gió với tổng công suất gần 7.000 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện quốc gia, Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Công thương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước đó do tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất thiết bị của các nhà cung ứng. Vì thế, việc các nhà máy điện gió hoàn thành theo kế hoạch để hưởng cơ chế giá từ Nhà nước là rất mong manh.
Hơn nữa, nếu như dự án điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận 12 tỷ USD được chấp nhận đầu tư, rất có thể sẽ khiến các doanh nghiệp làm điện gió trong nước thêm “sầu”?