Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử 13 đoàn tàu vào ngày mai 12/12
(Kiến Thức) - Theo phương án dự kiến, từ sáng mai 12/12, toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành thử trong 20 ngày (từ 5h đến 23h hàng ngày).
Chạy thử 20 ngày liên tục
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, các đoàn tàu chạy với tần suất đến ga 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến. Để hành khách lên xuống, ở mỗi ga, đoàn tàu dừng lại khoảng 30 giây.
|
13 đoàn tàu sẽ vận hành thử trong 20 ngày |
Cụ thể, vào giờ bình thường, 6 đoàn tàu chạy, giờ cao điểm 9 đoàn tàu chạy theo hai hướng từ đầu đến cuối tuyến.
Trong thời gian chạy thử, toàn bộ 9 đoàn tàu của dự án được đưa vào vận hành từ ga Yên Nghĩa đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh. Tốc độ chạy tàu trung bình 35 km/h, thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút.
Trước đó, Công ty Metro Hà Nội đã cho toàn bộ gần 700 lao động vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông thực hành, diễn tập các tình huống trên tuyến.
Để đánh giá độ an toàn và phục vụ công tác nghiệm thu, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày liên tục, bắt đầu từ 12/12.
Toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đều chạy thử, xuất phát từ điểm đầu là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa). Tốc độ chạy tàu trung bình 35 km/h (thiết kế 80 km/h), thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người.
Đoàn tàu sẽ vận hành theo đúng biểu đồ chạy tàu để tổng thầu, tư vấn Pháp đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống.
Trước khi vận hành thử hệ thống, tổng thầu dự án sẽ chạy thử đoàn tàu 8 ngày để kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục chuyên biệt. Cụ thể, 3 ngày đầu dành kiểm tra hạng mục chạy tàu; giãn cách 2-3 phút/chuyến và kết hợp diễn tập xử lý các sự cố. Trong 5 ngày tiếp theo, 6 đoàn tàu được chạy thử từ 8h đến 18h, từ đầu đến cuối ga ở cả hai hướng tuyến.
Hệ thống được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Thông tin, tín hiệu trên tuyến tự động truyền về trung tâm điều hành. Tàu được điều khiển bằng hệ thống bán tự động, lái tàu sẽ tăng giảm tốc độ qua các nút bấm, cần gạt trong khoang lái.
Cuối năm 2018, tàu Cát Linh - Hà Đông hoàn thành xây lắp và từng chạy thử liên động để khớp nối các hạng mục thiết bị, nhưng chưa đồng bộ toàn hệ thống và có sự tham gia của nhiều nhân viên. Tại lần chạy thử này, toàn bộ nhân viên vận hành tuyến tàu điện với khoảng 800 người, trong đó 200 người của tổng thầu Trung Quốc và hơn 600 người Việt sẽ được huy động, vận hành các hạng mục trong nhà ga giống như khai thác thương mại.
Căn cứ kết quả vận hành thử, trong quý I/2021, Liên danh tư vấn độc lập Pháp dự kiến cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án, sau đó Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.
ĐBQH kiến nghị không để lỡ hẹn lần thứ 9
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội hồi tháng 11/2020, phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc của đường sắt Cát Linh - Hà Đông giúp dự án vận hành vào cuối năm nay, "không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân".
Theo ông Thường, hiện nay việc tập trung xây dựng đường sắt đô thị được coi là giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, mang tính then chốt của cả 2 TP. Hà Nội và TP.HCM.
Ông Thường cho biết 8 dự án đang được thực hiện ở 2 thành phố, tổng mức đầu tư cho 224km đường sắt đô thị tại TP.HCM khoảng 25 tỷ USD và Hà Nội 318km với tổng mức đầu tư 30 tỷ USD. Từ đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, phát triển đường sắt đô thị là xu thế tất yếu và rất cấp bách tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng quá trình triển khai có nhiều vấn đề.
"Các dự án đều có tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lại chậm tiến độ nhiều lần, liên tục "đội" vốn, gây bức xúc trong dư luận như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Suối Tiên...", ông Thường nói.
Ông Nguyễn Phi Thường cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc lựa chọn, chỉ định thầu các dự án đường sắt đô thị. Vị đại biểu Hà Nội cho rằng khi ký hợp đồng với các nhà thầu cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như giải phóng mặt bằng, nhất là hợp đồng EPC, vì nếu chưa chốt được giá trị ngay từ đầu mà chỉ tạm tính thì sẽ rất rắc rối sau này.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị cần nghiên cứu mô hình đường sắt tư nhân tại các thành phố lớn.