Ảnh minh họa. |
Gan gà hầm ngô: Gan gà 1 bộ, thỏ ty tử 15g, thanh bì 12g, ngô 100g, gia vị vừa đủ. Đựng thỏ ty tử và thanh bì trong túi vải cho vào nồi hầm cùng gan gà và ngô cho thật chín rồi chế thêm gia vị, bỏ bã thuốc, chia làm 2 lần ăn trong ngày. Món này dùng thích hợp cho người bị ung thư gan thể can uất tỳ hư với biểu hiện: Đau hạ sườn phải, ngực sườn đầy tức, miệng nhạt hoặc đắng, ăn kém chậm tiêu, có thể có cảm giác buồn nôn, đại tiện nhão hoặc lỏng, người rất mệt, hình thể hao gầy, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền tế.
Gan lợn hầm phật thủ: Gan lợn 150g, phật thủ bì 10g, hợp hoan hoa 12g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Sắc phật thủ và hợp hoan bì với nước trong 20 phút, lấy nước bỏ bã; gan lợn thái miếng ướp với gừng và các gia vị khác, sau đó đem hầm với nước thuốc trong ít phút là được; ăn gan lợn, uống nước canh, chia hai lần trong ngày. Món này dùng thích hợp cho người bị ung thư gan thể can uất tỳ hư.
Cháo gan lợn vỏ lạc: Gan lợn 100g, vỏ lụa hạt lạc 50g, gạo nếp 50g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Gan lợn làm sạch thái miếng, gạo nếp đãi kỹ ngâm qua, gừng thái chỉ, hành cắt đoạn. Cho gạo nếp và vỏ lạc vào nồi ninh thành cháo, sau đó bỏ gan lợn và gừng vào đun sôi chừng 10 phút là được, chế thêm gia vị, chia ăn nóng vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ huyết dưỡng huyết, dùng cho những trường hợp thiếu máu thuộc thể huyết hư biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt nhiều, sắc mặt, môi, móng tay và lưỡi trắng nhợt, hay hồi hộp tức ngực, kinh nguyệt lượng ít sắc nhạt hoặc bế kinh...
Trong bài, gan lợn có công năng bổ can dưỡng huyết, vỏ lạc hòa vị nhuận phế, bổ huyết chỉ huyết phối hợp với gạo nếp, gừng tươi để kiện tỳ ích vị, nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hóa và tạo cảm giác ngon miệng.