Bà Cúc thuật lại sự việc. |
Vào nhầm nhà "họ hàng" lần thứ hai
Theo lời kể của bà Phạm Thị Cúc, khoảng 7h ngày 5/3, một người đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự, tay cầm một tập tài liệu tìm đến nhà bà. Lúc này, bà Cúc đang ở phía sau, trong nhà chỉ có người chị chồng là bà Nguyễn Thị Thuận (SN 1959).
Nghe người đàn ông giới thiệu là người quen, bà Thuận liền gọi: “Cúc ơi có người bà con đến gặp”.
Vì trước đó đã từng bị người lạ vào nhà nhận là họ hàng rồi lừa tiền nên khi nghe chị gọi, bà Cúc vội vàng chạy lên. Vừa nhìn thấy gã đàn ông, bà Cúc phát hiện đó là đối tượng từng lừa tiền mình vào tháng 10/2017 nên truy hô và cùng bà Thuận ôm giữ đối tượng.
Bị bất ngờ, gã đàn ông liền xô ngã hai chị em bà Cúc rồi bỏ chạy. Ra đến cổng, gã đàn ông bị người dân sống xung quanh vây bắt. Lúc này, đối tượng bỗng nhiên “ngất xỉu”, nằm xuống đường bê-tông và “sùi bọt mép”.
Nhận được tin báo của người dân, Công an xã Điện Hồng nhanh chóng có mặt tại hiện trường và đưa đối tượng đến bệnh viện. Sau khi tỉnh lại, đối tượng được mời về trụ sở Công an xã để làm rõ vụ việc.
Đối tượng khai nhận tên là Võ Văn Thành (SN 1949, quê huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Làm việc với công an, bà Cúc khẳng định Thành chính là đối tượng đã lừa tiền mình vào tháng 10/2017.
Theo bà Cúc, sáng hôm ấy, Thành vào nhà bà và giới thiệu là con của dì Chín (là dì ruột của bà Cúc, đang sinh sống ở Đà Lạt). Vì trong những người em con dì có một người sống tại Vũng Tàu là chưa được gặp mặt nên bà Cúc nhanh miệng hỏi: “Em có phải đứa ở Vũng Tàu không?”. Người đàn ông liền đáp ngay: “Dạ phải”.
Sau một lúc tận tình hỏi thăm sức khoẻ của từng người trong nhà bà Cúc, gã đàn ông bảo: “Mẹ em có gửi 3 thùng trái cây về biếu vợ chồng anh chị. Chút nữa xe khách đến, anh chị chạy xuống ngã ba Vĩnh Điện (thuộc phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, cách nhà bà Cúc hơn chục cây số) chở giúp em với nhé”.
Bị người dân vây bắt, “người họ hàng” của bà Cúc bỗng dưng “ngất xỉu” |
Tin lời, ông Nguyễn Hoà (SN 1964, chồng bà Cúc) lấy xe máy chạy đi lấy “quà”. Khi ông Hoà đi khỏi, Thành nói với bà Cúc: “Trên xe khách chuẩn bị về ngoài 3 thùng trái cây biếu vợ chồng anh chị còn mấy thùng hàng của em nữa. Nhưng lúc nãy em bị mất ví nên không còn đồng nào. Chị cho em mượn tạm 5 triệu để lấy hàng, chiều lấy hàng xong em ra cây ATM rút tiền rồi mang vào trả chị”.
Nghĩ là chị em trong nhà ở xa mới về, giờ Thành gặp khó khăn nên bà Cúc liền lấy tiền cho gã đàn ông mượn. Tuy nhiên, vì không sẵn tiền nên bà Cúc chỉ cho Thành mượn được 1,5 triệu đồng.
Mượn được tiền, “người em con dì” liền bỏ đi và không quay trở lại. Về phần ông Hoà, chờ mãi không thấy quà đâu đành quay về nhà. Sau khi liên hệ với gia đình dì, vợ chồng và Cúc xác định đã bị gã đàn ông lạ mặt lừa lấy tiền. "Vợ chồng tôi không nghĩ hắn dám cả gan quay lại nhà tôi để giở bài lần thứ 2. Có thể do lừa đảo quá nhiều nơi nên không nhớ nổi đã từng lừa ở đây", bà Cúc nói.
Ông Phạm Đình Hoá – Phó Trưởng Công an xã Điện Hồng cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, đối tượng không mang theo bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào, tập tài liệu mang theo chỉ toàn là… giấy trắng. Công an xã Điện Hồng đã xử phạt vi phạm hành chính đối tượng Thành 1 triệu đồng.
Đã có nhiều người mắc bẫy
Chiêu trò nhận họ hàng để mượn tiền không phải là mới. Trước đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã xảy ra nhiều vụ tương tự.
Bà Phạm Thị Duy (SN 1939, ngụ xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) kể, trong lúc vợ chồng bà đang ở nhà thì có một người đàn ông trung niên tìm đến.
Người này nhanh mồm giới thiệu mình ở TP. Đà Nẵng, đến mời vợ chồng bà Duy tuần sau đến dự đám giỗ. Lúc đầu, bà Duy cảm thấy hơi lạ vì từ trước đến giờ chưa có ai mời đi đám giỗ tận Đà Nẵng nhưng sau đó thì nghĩ ngay đến một người quen. Bà liền hỏi gã đàn ông: “Thế cháu có phải là con anh Mười Lãng không?”. Như chỉ chờ có thế, người đàn ông đáp ngay: “Dạ phải”.
Nghe mời đám giỗ, bà Duy nói lời cảm ơn nhưng cho biết 2 vợ chồng đã già yếu không thể đi được. Người đàn ông liền nói: “Cháu mới mua một chiếc xe con trị giá 700 triệu đồng, đến ngày giỗ cháu sẽ lái xe vào đón vợ chồng bác ra dự. Vợ cháu làm ở bệnh viện, nếu hai bác mệt thì có vợ cháu lo, sợ gì.”
Nói đến đó, người đàn ông bước ra sân nghe điện thoại. Một lúc sau, anh ta trở vào nhà và ra vẻ nghiêm trọng nói với vợ chồng bà Duy: “Có ông phó chủ tịch huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) hôm nay về nhà mới nhưng mời đột ngột quá. Năm trước cháu làm nhà, ông ấy hỗ trợ rất nhiều, giờ đi đám nhà mới ông ấy chắc phải tầm 5 triệu mới phải lẽ. Cháu không chuẩn bị trước nên tiền mang theo không đủ, hai bác cho cháu mượn tạm vài triệu đồng để đi đám nhà mới, chiều cháu đem lên trả lại”.
Cảm thông cho “người cháu”, vợ chồng bà Duy không nghĩ ngợi gì móc ví đưa cho anh ta 2 triệu đồng.
“Mượn” được 2 triệu đồng, người đàn ông đi thẳng không quay trở lại. Vợ chồng bà Duy chờ đến hết tuần sau nhưng không thấy anh ta đến như đã hứa. Hỏi gia đình ông Mười Lãng thì được biết gia đình họ không có người con nào như thế
Trong khoảng thời gian vợ chồng bà Duy bị lừa, bà Phan Thị Cẩn (SN 1938, ngụ xã Đại Hiệp) cũng mất tiền vì “người họ hàng”. Bà Cẩn kể, bà đang ở nhà một mình thì có một người đàn ông đi xe máy đến nhận là họ hàng ở xa.
Sau vài câu hỏi han sức khỏe, anh ta tỏ ý muốn mượn tiền của bà Cẩn để mua thuốc nam và hứa đến chiều sẽ trả lại. Không rõ người đàn ông thuyết phục ra sao mà bà Cẩn mở tủ lấy hết số tiền dành dụm được bấy lâu đưa cho hắn ta. Chờ mãi không thấy ai mang tiền đến trả lại, bà Cẩn buồn rầu, mất ăn mất ngủ cả tháng trời rồi ốm liệt giường.
Qua các vụ việc dễ dàng thấy kẻ gian thường nhắm đến những người già sống neo đơn tại các làng quê để lừa đảo. Chúng thường hành động vào giờ người nhà nạn nhân đi lao động, không có ở nhà. Trước khi ra tay, chúng còn lân la tìm hiểu hoàn cảnh gia đình họ, tên tuổi, nghề nghiệp của từng người trong gia đình để dễ dàng đóng vai người họ hàng và đưa các nạn nhân vào bẫy.