Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, Mỹ không nên "đơn phương chấm dứt" vì thỏa thuận đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp thuận.
Trong ngày 11/5, bà Merkel cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cuộc điện đàm diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đồng ý thỏa thuận này sẽ vẫn còn hiệu lực trong các cuộc đàm phán tại Moskva.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini sẽ tổ chức một cuộc gặp giữa các ngoại trưởng Đức, Pháp và Anh vào ngày 15/5 tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về JCPOA. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng sẽ góp mặt trong cuộc họp này.
Thủ tướng Angela Merkel. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Trong một diễn biến liên quan, cựu Cố vấn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Liên minh châu Âu (EU) Paolo von Schirach cho rằng Ai Cập và Saudi Arabia có thể nhanh chóng theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình nếu như JCPOA bị sụp đổ do việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
Ông Schirach nói: "Iran có thể sẽ đáp trả bằng những chính sách thách thức và cứng rắn hơn đối với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hôm 8/5 rằng ông rút Mỹ khỏi JCPOA."
Chuyên gia này nhấn mạnh quyết định của ông Trump rút khỏi JCPOA sẽ làm gia tăng bất ổn trên khắp Trung Đông cũng như có thể khiến chi phí về năng lượng tăng cao.
Theo ông Schirach, về các thị trường dầu mỏ, những căng thẳng mới liên quan đến Iran, một nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn, có thể góp phần làm tăng giá dầu, điều gây ra những hệ quả tiêu cực đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới"./.