Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của DLG trong 6 tháng đầu năm 2020 không thay đổi sau soát xét và đạt mức 814 tỷ đồng, lãi gộp ghi nhận ở mức 141 tỷ đồng, giảm 4 tỷ so kết quả tự lập.
Nguyên nhân làm cho Đức Long lỗ ròng 286 tỷ đồng, lỗ thêm 29 tỷ so với báo cáo tự lập do các chi phí sau soát xét tăng cao. Cụ thể, chi phí tài chính tăng lên 213 tỷ từ 192 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 267 tỷ từ 263 tỷ đồng.
Sau soát xét, dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh của Công ty ghi âm gần 7 tỷ, trong khi cùng kỳ khả quan dương 156 tỷ. Dòng tiền thuần cũng âm 36 tỷ lớn hơn nhiều so với con số âm hơn 126 triệu đồng của cùng kỳ.
Các khoản cho vay của DLG. Nguồn: DLG. |
Bên cạnh đó, Báo cáo tài chính của DLG cũng nhận về ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán viên. Tại ngày 30/6, Công ty đã cho một số tổ chức, cá nhân vay 2.487 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng tài sản nhưng không có tài sản đảm bảo.
Báo cáo này được lập dựa trên cơ sở giả định hoạt động liên tục. Tuy nhiên tại ngày 30/6, DLG chưa thanh toán hầu hết các khoản đi vay đã quá hạn trả cho ngân hàng và trái chủ. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của DLG.
Theo đó, khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai hoặc kết quả thoả thuận với các chủ nợ về việc gia hạn/cơ cấu lại nợ gốc, nợ lãi, giảm lãi,… để đảm bảo cho Tập đoàn có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động bình thường trong các năm tiếp theo.