Đó là câu chuyện đưa vợ đi đẻ của ông bố trẻ Đức Minh (SN 1992, Hà Nội). Anh Minh chia sẻ: “4h sáng, tôi đang ngáy thì vợ tát cho mấy phát. Tôi giật mình dậy, thấy vợ mếu máo nước mắt ngắn dài: “Dậy đi, ướt hết quần rồi đây này, đau quá chết đi được ý!”. Thế là tôi cuống cuồng đánh răng rửa mặt, trang điểm, xịt nước hoa các kiểu rồi đưa vợ đi cấp cứu.
Bác sĩ bảo vợ mở 1 phân rồi cho mặc áo “siêu nhân” luôn. Tôi thấy vợ sắp đẻ sướng quá gọi cho bố mẹ báo tin để vào viện. Tôi cuống quá báo thế nào nhầm thành vợ con mở một mét rưỡi, khiến cả viện cười ầm”.
Đưa vợ đi đẻ vẫn kịp vuốt keo, xịt nước hoa. |
Dù vậy nhưng anh đã cùng vợ vượt cạn và chào đón thiên thần của mình. Với anh Minh, mỗi giây phút nhìn vợ lên cơn đau vật vã anh đều hiểu vợ đã trải qua rất nhiều vất vả vì mình.
Cũng như bao người khác, anh Bùi Quang Ngọc (SN 1990, Hà Nội) hồi hộp chờ đón đứa con đầu lòng ra đời. Ngay sau khi vợ đau bụng, anh Quang Ngọc đã đưa vợ vào viện và tận mắt chứng kiến “thế giới bà bầu”. Có người gầy, người béo, người xinh, xấu... nhưng đều giống nhau ở cái bụng tròn và biết động đậy. Trước đây, khi vợ có bầu thì thường bạo mồm để anh đau hộ, sinh giúp nhưng mắt thấy tai nghe lúc vợ lâm bồn thì hết cả hồn.
Anh Quang Ngọc kể: “Bên kia hành lang là thế giới của các mẹ “mướp”: Phòng chờ sinh, nơi mẹ “mướp” chuẩn bị tinh thần lâm trận thật vô cùng... phức tạp. Tiếng xuýt xoa, tiếng phì phò tập thở lẫn tiếng khóc kêu than, tiếng ùng ục, uỵch uỵch của cái máy nhỏ nhỏ y tá mang vào (sau mới biết là máy đo tim thai). Đủ loại sắc thái, nhưng đa phần là nhăn nhó khó khăn, khóc mếu với người nhà. Có mẹ bầu to uỵch ngồi góc phòng khoe đẻ đứa thứ 3 rồi cười hềnh hệch. Phía còn lại là bên này hành lang, nơi có sự trợ giúp từ các mẹ và người thân. Nơi này đông vô cùng và ngột ngạt”.
Rồi ông bố trẻ kể tiếp, vợ đau cũng được vài tiếng thì bác sĩ đưa vào phòng chờ sinh, kết nối với mọi người bằng điện thoại. Gọi nghe vợ hổn hển vì đau mà lòng thắt lại, đau lắm nhưng chắc thua vợ cả trăm lần. Hai bà mẹ cũng chờ mỏi mắt để nhìn cháu nhưng không được đành phải về, còn một mình ông chồng “solo” đến sáng.
Ông bố trẻ lần đầu tiên được chứng kiến thế giới của bà bầu. |
“Tôi như ngồi trên đống lửa, hành lang lúc này đã vắng, chẳng có thông tin gì hết. Bỗng cô y tá ló đầu ra hét: “Người nhà chị Nguyễn Hà đâu?”. Họ gọi vào ký tờ giấy gì đó rồi đuổi ra luôn và tôi bắt đầu nghe thấy tiếng khóc của trẻ con. Tôi thấy hạnh phúc, cao cả và tự hào. Thương vợ cực, nhưng chỉ biết động viên thôi”, anh Quang Ngọc tâm sự.
Còn ông bố trẻ Nguyễn Quang Long (33 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) đưa vợ đi đẻ đến 2 lần vẫn lóng ngóng, run rẩy đến nghẹt thở vì không biết làm gì trong khi vợ thuộc diện khó sinh.
Anh Quang Long nhớ lại: “Lần thứ nhất vợ sinh thì tôi đang đi công tác, đến lần thứ 2 khi vợ đau bụng, có dấu hiệu “lâm bồn” tôi vội vã phi từ cơ quan về. Ở viện gần 3 tiếng, vợ đau kêu gào khản cả cổ, tôi chỉ biết luống cuống đi vòng quanh vợ, hết cầm tay rồi lại xoa lưng, nhìn vợ mồ hôi đầm đìa mà thấy thương. Tôi không dám rời vị trí “chiến đấu”, vì sợ khi bác sĩ gọi không có ở đây thì người khác nhận mất con.
Nhưng vợ tôi khó đẻ, không thể sinh thường được, đến khi bác sĩ gọi vào ký giấy mổ thì tôi luống cuống, lắp bắp mãi không nói nên lời và cũng không chịu ký giấy mổ. Tôi sợ mổ vợ sẽ đau, không tỉnh lại nữa, bác sĩ nhìn tôi cười và giải thích một hồi, dọa nếu không mổ con tôi sẽ bị chết ngạt, sợ quá tôi ngoan ngoãn ký giấy”. Đến bây giờ anh Long vẫn còn nguyên cảm xúc lần đầu được làm cha, lần đầu ở bên vợ chứng kiến vợ vượt cạn. Từ lo lắng, hồi hộp rồi hạnh phúc khó tả thành lời."