Tối 3/1, nhiều trang mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng "một thanh niên thu về hơn 50 triệu tiền hoa hồng chỉ sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông". Đồng thời trích dẫn thông tin cho rằng sự việc diễn ra ở Hà Nội. Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Hiện chưa có người dân nào đã được nhận tiền do cung cấp, phản ánh thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Chỉ sau 1 giờ đồng hồ đăng tải thông tin sai sự thật, Fanpage TOP Comment đã thu hút 4.5 nghìn lượt like, 662 lượt chia sẻ. Phần comment dẫn thông tin Fake News cũng thu hút 557 lượt like. |
Đồng thời, đơn vị này cũng cho biết các trang mạng xã hội và cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị lực lượng chức năng xác minh, xử lý theo quy định. Hiện tại, Công an thành phố Hà Nội đang triển khai trang Zalo "Phòng cảnh sát giao thông CATP Hà Nội" và số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Các thông tin phản ánh của người dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải bảo đảm khách quan, chính xác. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải đảm bảo tính kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định. Công an thành phố Hà Nội khẳng định các thông tin cung cấp của người dân được đảm bảo bí mật về danh tính.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Theo điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm tuyệt đối đối với các hành vi sử dụng không gian mạng để đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Hùng cho biết thêm, các quy định mới liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, chưa nắm rõ các quy định pháp luật mới của một bộ phận người dân, các đối tượng đã đăng tải các nội dung sai sự thật liên quan đến việc tố giác vi phạm giao thông nhằm câu like, câu tương tác trên mạng xã hội, tuy nhiên hậu quả để lại là gây hoang mang dư luận và ảnh hướng xấu đến tinh thần của phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông” đang được thực hiện rất hiệu quả.
Theo đó, các đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP. Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên. Trường hợp, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra mà các đối tượng có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
>>> Xem thêm video: Người vi phạm nồng độ cồn thông chốt CSGT bất thành