Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 17-12 tổ chức cuộc họp cân nhắc tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin thuộc hãng Moderna (Mỹ) với kết quả bỏ phiếu ủng hộ phê duyệt sử dụng khẩn cấp áp đảo. Vắc-xin của Moderna sẽ được phân phối ngay sau khi FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp, ưu tiên cho nhân viên y tế và người cao tuổi nhằm thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng lớn nhất lịch sử Mỹ.
Quyết định của FDA mang đến hy vọng mới trong bối cảnh Mỹ chứng kiến hơn 17,6 triệu ca mắc và hơn 310.000 ca tử vong do dịch Covid-19. Cùng với vắc-xin ngừa dịch Covid-19 của 2 hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức), vắc-xin của Moderna sẽ được phân phối đến các trung tâm tiêm chủng của Mỹ trong bối cảnh số ca nhập viện và tử vong tăng vọt trước kỳ nghỉ lễ.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar cho hay 5,9 triệu liều vắc-xin Moderna đã sẵn sàng vận chuyển trên toàn quốc vào tuần sau. Dự kiến có khoảng 40 triệu liều vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna vào cuối năm nay, đủ để tiêm cho 20 triệu người (2 liều/người). Cả 2 vắc-xin này đều có hiệu quả khoảng 95% trong các thử nghiệm lâm sàng và không có vấn đề nghiêm trọng về tính an toàn.
Một người đàn ông được tiêm vắc-xin của Pfizer-BioNTech trong xe tại một trung tâm tiêm phòng ở Anh hôm 17-12 Ảnh: Reuters |
Đáng chú ý, vắc-xin của Moderna không yêu cầu tủ đông chuyên dụng cho quá trình vận chuyển hoặc bảo quản như vắc-xin của Pfizer-BioNTech, loại vắc-xin phải được giữ ở nhiệt độ -70 độ C, có thể khiến việc lưu trữ ở các vùng nông thôn, vùng thu nhập thấp khó khăn hơn. Vắc-xin của Moderna có thể được bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ -20 độ C hoặc trong 30 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường từ 2 đến 8 độ C.
Hồi tháng 8, Mỹ đã ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỉ USD với Moderna để mua 100 triệu liều vắc-xin của hãng này. Khoảng 20 triệu liều dự kiến được giao trong tháng này, phần còn lại của đợt mua ban đầu sẽ được phân bổ vào quý I/2021. Hồi tuần trước, Moderna đã đồng ý cung cấp thêm 100 triệu liều trong quý II/2021.
Trong khi đó, FDA cho biết đang làm việc với hãng Pfizer để xem lại tài liệu dành cho người sử dụng vắc-xin của Pfizer - BioNTech sau khi 2 nhân viên y tế tại bang Alaska có phản ứng dị ứng ngay sau khi tiêm, đồng thời làm việc với phía Anh để tìm hiểu 2 trường hợp phản ứng tương tự tại nước này.
Sau Anh và Mỹ, hãng Pfizer hôm 18-12 cho biết đã nộp đơn xin phê duyệt sử dụng vắc-xin ở Nhật Bản. Theo hãng tin Reuters, chính phủ Nhật Bản cũng đã đạt được thỏa thuận với Pfizer về việc mua 120 triệu liều vắc-xin ngừa dịch Covid-19 đủ để chủng ngừa cho 60 triệu người, gần 50% dân số nước này.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết nước này kỳ vọng toàn dân sẽ được tiêm phòng trong nửa đầu năm tới. Tokyo đã nâng mức cảnh báo dịch Covid-19 lên mức cao nhất trong hệ thống 4 giai đoạn hôm 17-12 khi số ca nhiễm mới trong ngày tăng vọt lên mức cao kỷ lục là 822. Nhật Bản hiện ghi nhận hơn 190.921 ca mắc và hơn 2.661 ca tử vong do dịch Covid-19.
Trong nỗ lực tiêm phòng sớm cho người dân, Philippines dự kiến mua từ 4 triệu đến 25 triệu liều vắc-xin của Moderna và Công ty Arcturus Therapeutics (Mỹ). Bên cạnh đó, Philippines cũng có kế hoạch mua 25 triệu liều vắc-xin do Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất và sẽ nhận lô hàng này vào tháng 3 năm tới. Với hơn 454.447 ca mắc và 8.850 ca tử vong do dịch Covid-19, Philippines có số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.
Trung Quốc, Ấn Độ chủ động
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), Trung Quốc đang lên kế hoạch tiêm phòng cho 50 triệu người thuộc nhóm ưu tiên để ngăn dịch Covid-19 trước khi bước sang "đợt di cư lớn nhất hành tinh" - dịp Tết nguyên đán. Theo đó, Bắc Kinh dự kiến phân phối 100 triệu liều vắc-xin do 2 công ty bản địa là Sinopharm và Sinovac Biotech sản xuất. Các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu phải hoàn thành quá trình tiêm phòng 50 triệu liều vắc-xin đầu tiên vào ngày 15-1-2021 và liều thứ hai vào ngày 5-2.
Trong khi đó, Ấn Độ đã ký hợp đồng sản xuất thêm khoảng 30 triệu liều vắc-xin Sputnik V của Nga vào năm tới, gấp 3 lần con số từng ký. Cho đến nay, có 3 loại vắc-xin đã được nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp ở Ấn Độ là Oxford-AstraZeneca của Anh, Pfizer-BioNTech (Mỹ - Đức) và Bharat Biotech của Ấn Độ. Với khoảng 10 triệu ca mắc và hơn 144.000 ca tử vong, Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.