Ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty cơ khí Quốc Hòa, cụm CN Phong Phú (TP. Thái Bình) được báo chí, dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây với việc làm “gây sốc”: Tự đóng tàu ngầm mini mang tên “Trường Sa”.
Thử nghiệm thành công: Thấy cũng… bình thường!
“Rất tốt!”. Đó là lời khẳng định ngắn gọn của ông Hòa khi được phóng viên đề nghị ông đánh giá về kết quả sau 10 ngày thử nghiệm tàu ngầm mini mang tên Trường Sa trong bể.
“Tàu vận hành theo đúng thiết kế kỹ thuật. Hệ thống AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - mà ông Hòa cho biết là công nghệ không khí tuần hoàn độc lập) hoạt động hoàn hảo. Thời gian lặn lâu nhất là 30 phút.
Tàu ngầm mini Trường Sa được thử nghiệm ở trong bể. |
Bình thường, nếu hệ thống AIP không hoạt động thì trong vòng 2 phút, người lái sẽ chết vì động cơ tiêu thụ mấy mét khối khí/phút” - ông Hòa nói. Ông cũng cho biết thêm, với chiếc bể thử nghiệm có chiều cao 4m, ông đã yêu cầu công nhân bơm nước ngập tới mức 3,5m; tàu ngầm mini chạy bằng nhiên liệu diesel vận hành trong môi trường ngập nước hoàn toàn (khi lặn) rất êm.
Ông Hòa cho hay, trong các lần thử nghiệm, ông là người duy nhất điều khiển tàu ngầm lặn xuống, không ai khác. “Bình thường, có thể duy trì lặn lâu hơn 30 phút, nhưng tôi chạy cách quãng như vậy để mỗi lần chạy lại kiểm tra một vài thông số khác nhau” - ông Hòa giải thích.
Doanh nhân quê lúa Nguyễn Quốc Hòa với ý tưởng gây sốc làm tàu ngầm. |
Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho hay, trong quá trình thử nghiệm đã xảy ra sự cố: Do tàu so với bể là quá chật chội nên tàu đã va vào thành bể, cánh tàu bị gác lên nên phải làm lại cánh, định vị lại tàu. Sau đó, tàu đã hoạt động bình thường trở lại.
“Tôi cũng hiểu rất rõ là môi trường trong bể và ngoài biển khác nhau hoàn toàn; nhưng ít nhất tôi cũng tạo ra một số thứ na ná ở ngoài biển. Ví dụ, trong trường hợp vừa rồi, khi tàu chưa được định vị ở chính giữa tâm bể thì nó đã lao lên và đã hích cánh lên cạnh bể.
Khi đó, tàu đã nghiêng một góc khá lớn, 45 độ thì cũng giống như ở biển bị sóng đánh. Tóm lại, khi ở trong bể, tôi cố gắng tạo ra những điều kiện nghiêng ngả hoặc chìm nổi của tàu cũng gần giống ở ngoài biển, trước khi thử nghiệm ở biển”.
Khi được hỏi có cơ quan chức năng nào xuống hôm thử nghiệm tàu ngầm không, ông Hòa cho biết: “Việc thử nghiệm diễn ra trong quy mô của Cty, chỉ có một số người quan tâm, các giáo sư già về kiểm tra, xem xét, kiểm chứng; còn không có cán bộ của Sở KHCN vì tôi chưa báo cáo với họ”.
Tàu ngầm mini Trường Sa khi còn trong thời gian chế tạo. |
Được hỏi về cảm giác của mình sau khi kết thúc đợt thử nghiệm, ông Hòa đáp nhẹ nhàng: “Tôi thấy cũng bình thường thôi, vì biết chắc ngay từ đầu là sẽ thành công!".
Ông Hòa nói tiếp: “Mới đầu tôi xây cái bể (để thử nghiệm) thì mọi người cũng đều chê bai. Thế nhưng thực tế bể vẫn tồn tại và con tàu vẫn thành công. Thực tế, qua các cuộc thử nghiệm, chân vịt quay như thế, tàu va vào vách như thế mà cũng đâu có vỡ bể”.
Thử nghiệm, cũng là chạy luôn
Sau khi kết thúc thử nghiệm ở bể trong Cty thì ông sẽ đưa tàu ngầm ra biển để thử nghiệm? Ông Hòa khẳng định: “Tôi sẽ dùng chiếc xe container để di chuyển tàu ngầm và sử dụng cần cẩu 30 tấn để nhấc tàu ngầm xuống biển. Con tàu này tôi thiết kế 9 tấn, vừa rồi cân lại là 9 tấn 50kg, chắc do khối lượng thêm của bulông, ốc vít. Nếu ra ngoài biển, đương nhiên tôi vẫn tiếp tục lái”.
Tuy nhiên, ông Hòa chưa tiết lộ thời gian và địa điểm ông sẽ đưa tàu ra biển, bởi “tôi có chỉ làm tàu ngầm không thôi đâu, mà còn làm nhiều thứ khác. Khi nào có điều kiện thích hợp thì sẽ tiến hành thôi”.
Trả lời về việc dự định sau thử nghiệm ở bể sẽ ra thử nghiệm ở biển thì dự kiến sẽ gặp những khó khăn gì, ông Hòa nói: “Tôi chưa nhìn thấy khó khăn như thế nào cả. Vì tôi chưa thấy tài liệu văn bản nào cấm. Chạy trên sông thì chắc chắn là không được, còn chạy trên biển chưa thấy văn bản nào cấm; cũng chưa thấy văn bản nào cấm thử tàu ngầm ở ngoài biển”.