Trước, khi nghe đến việc cho bò, lợn nghe nhạc để phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao tôi đã hết sức ngạc nhiên. Thì mới đây, chuyện về việc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao Phú Hộ cho dưa leo nghe nhạc thính phòng giúp cây sinh trưởng tốt, chất lượng quả ngon càng khiến tôi tò mò và muốn tìm đến tận nơi để kiểm chứng.
Trung tâm ứng dụng công nghệ cao Phú Hộ được xem là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp cho dưa lưới nghe nhạc. |
Để vào khu nhà kính với diện tích 2.000m2 được lắp đặt theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản tại Trung tâm ứng dụng công nghệ cao Phú Hộ (thuộc Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam), chúng tôi phải đi qua 2 lớp cửa với vôi bột khử trùng sạch sẽ. Ngay từ bên ngoài cánh cửa đầu tiên, chúng tôi đã được thả hồn vào giai điệu du dương, không lời của bản nhạc: Winter Story
Chị Cao Thị Ánh, Kỹ sư nông nghiệp - Trung tâm ứng dựng nông nghiệp công nghệ cao Phú Hộ |
Thấy khách, chị Cao Thị Ánh, Kỹ sư nông nghiệp - Trung tâm ứng dựng nông nghiệp công nghệ cao Phú Hộ vừa bắt lại nhánh cây dưa leo lên dây vừa cười hiền đùa bảo: Nhờ cây dưa leo này mà chúng em vừa làm vừa được nghe nhạc quý tộc, thượng lưu đấy nhé.
Sau này hỏi ra mới biết, việc cho dưa nghe nhạc thính phòng bắt nguồn từ bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam. Chẳng là vốn là người gắn bó với ngành giống, nên bà Tâm thường tìm đến các trại giống có mô hình tốt ở trong và ngoài nước để học tập kỹ thuật. Và trong những lần đi như thế bà vô tình biết đến chương trình nghiên cứu tiền thân trước đây của bên Nhật Bản và Đài Loan là cho vật nuôi, cây cối nghe nhạc đem lại đến sự sinh trưởng, chất lượng tốt.
Chương trình nghiên cứu của Nhật Bản và Đài Loan cho thấy dưa leo nghe nhạc đem đến sự sinh trưởng, chất lượng tốt. |
Theo chị Ánh, ngoài sử dụng các thiết bị cảm biến, hệ điều hành thông minh để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, lượng nước hợp lý. Đầu năm 2019, Trung tâm ứng dựng nông nghiệp công nghệ cao Phú Hộ đã áp dụng phương pháp cho cây dưa lưới nghe nhạc. Nhạc được bật vào 2 thời điểm đó là 2 tiếng đầu giờ sáng và 2 tiếng cuối giờ chiều. Dựa trên công bố sơ bộ của Nhật Bản và Đài Loan, thời điểm giao thoa giữa ngày và đêm nếu cho dưa nghe nhạc thính phòng sẽ kích thích được dưa sinh trưởng nhanh, từ đó rút ngắn được thời gian canh tác.
"Qua theo dõi, sau 2 vụ khi cho dưa nghe nhạc và trước khi chưa cho nghe nhạc thì thấy dưa được nghe nhạc cho tỷ lệ đậu quả nhiều hơn, sản lượng thu về nhiều hơn. Không những thế, cây dưa khỏe mạnh, phòng chống được sâu bệnh tốt hơn, chất lượng quả dưa to, lớn nhanh, mẫu mã đẹp, có độ đường ngọt hơn...", chị Ánh chia sẻ.
Khi dưa được nghe nhạc sẽ kích thích sự thụ phấn, giúp đậu quả nhiều hơn, mẫu mã và chất lượng của quả dưa cũng tốt hơn |
Cũng theo chị Ánh, sở dĩ có điều này bởi qua nghiên cứu, cũng như theo dõi, khi dưa được nghe nhạc với tiết tấu dịu nhẹ, các sóng âm có thể làm biến đổi điện thế giúp cây sinh trưởng nhanh. Đặc biệt, tế bào cây dưa khi được cảm thụ âm nhạc sẽ kích thích sự thụ phấn, giúp đậu quả nhiều hơn...
Bằng phương pháp cho dưa nghe nhạc thính phòng, sau 2 vụ, với 5.000 cây dưa leo đã cho thu hoạch 12 tấn/năm, trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng. So với trước đây, sản lượng và tiền lãi đã tăng hơn khoảng 20%, trong khi đó việc đầu tư loa, tiền điện lại rất nhỏ so với tổng số tiền đầu tư để trồng dưa. Theo cảm quan về hương vị và độ giòn của quả dưa so với những vụ trước đây không cho nghe nhạc thì thấy có sự khác nhau. Có nghe nhạc thì hương thơm của quả dưa đậm hơn", chị Ánh cho biết.
Trước những kết quả đem lại, sắp tới Trung tâm ứng dựng nông nghiệp công nghệ cao Phú Hộ sẽ tiếp tục mở rộng mô hình cho cây nghe nhạc |
Hiện tại dưa lưới nghe nhạc của Trung tâm ứng dựng nông nghiệp công nghệ cao Phú Hộ đang được một số đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận đặt hàng, bao tiêu hết.
Trên cơ sở đánh giá tích cực của mô hình, Trung tâm ứng dựng nông nghiệp công nghệ cao Phú Hộ sẽ tiếp tục triển khai công nghệ này tại các dự án khác. Qua đó nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.