Mặc dù đến ngày 12 tháng Giêng mới khai hội chùa Tam Chúc (Hà Nam), nhưng những ngày đầu xuân Canh Tý 2020, hàng vạn du khách thập phương đã ùn ùn kéo nhau về Tam Chúc vãn cảnh.
Để di chuyển từ bãi xe vào chùa, du khách có thể đi bằng thuyền hoặc xe điện. Theo Ban tổ chức (BTC) chùa Tam Chúc, ngoài hơn 400 xe của đơn vị thì BTC phải thuê thêm 60 chiếc của các đơn vị bên ngoài, các xe luân phiên phục vụ khách hàng và sạc điện. Còn thuyền thì gần 50 chiếc lớn bé, quy định mỗi chiếc thuyền được chở tối đa 60 hành khách.
Cảnh người chen nhau đi thuyền ở chùa Tam Chúc. (Ảnh: NLĐ). |
Điều đáng nói, năm nay, BTC bất ngờ tăng vé xe điện hai chiều lên giá 90.000 đồng (giá năm ngoái là 30.000 đồng). Còn vé thuyền là 200.000 đồng. Đặc biệt, dọc đường di chuyển, nhiều xe điện vẫn thản nhiên dừng lại bắt thêm khách. Giá "đu bám càng" xe giữa đường là 20.000 đồng/người/lượt.
Xe điện ở chùa Tam Chúc chở đúng số người quy định khi xuất bến. Nhưng dọc đường, nhiều xe dừng lại bắt thêm khách. (Ảnh: Zing.vn). |
Việc giá dịch vụ đi lại ở chùa Tam Chúc tăng “ngất ngưởng” khiến nhiều người cho rằng: Ban tổ chức đang thương mại hóa “hốt bạc” trên danh nghĩa nhà chùa, làm mất đi sự tôn nghiêm, linh thiêng?
“Tiền xe điện 90.000 (gấp 3 ngày thường) mà mệt và mất thời gian hơn đi bộ. BTC thì tệ, mua xong vé ra khỏi khu vực soát vé thì mọi người chen lấn xô đẩy, tranh nhau lên xe trong khi BTC ở đó nhưng không sắp xếp để mọi người lên xe đúng số người quy định. Chùa này chủ yếu đi tham quan chụp ảnh, chứ linh thiêng gì khi mà thương mại hóa như thế này”, một du khách bức xúc chia sẻ.
Tương tự, anh Nhất Nam (Hà Nội) chia sẻ: “BTC thu tận 90.000 đồng/lượt xe điện/2 chiều; 200.000 đồng/lượt thuyền là quá chát, trong khi một ngày hàng chục nghìn lượt du khách đổ về chùa Tam Chúc tham quan. Như vậy, số tiền thu lời sẽ rất lớn”.
Một bức ảnh hiếm hoi của doanh nhân Nguyễn Văn Trường. (Ảnh: Báo Đầu Tư). |
Theo tìm hiểu của PV, chùa Tam Chúc có diện tích lên tới 5.000 ha, trong đó vùng lõi là 4.000 ha do Công ty xây dựng Xuân Trường (có trụ sở tại Ninh Bình) làm chủ đầu tư. Để hoàn thành dự án này, Xuân Trường dự kiến phải mất thêm 30 năm nữa, với tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.
Người đứng sau Công ty xây dựng Xuân Trường là ông Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963 tại Hoa Lư, Ninh Bình được biết đến với hàng loạt công trình, dự án du lịch tâm linh quy mô “khủng” như: Khu du lịch tâm linh quần thể Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng)…
Nhưng trái ngược với sự đồ sộ của các dự án tâm linh, thông tin về vị doanh nhân Nguyễn Văn Trường khá hiếm hoi. Những gì mà truyền thông nhắc đến ông chỉ là vị đại gia kín tiếng, giản dị và "ăn chay trường" trong nhiều năm. Thậm chí bức ảnh của ông cũng khó có thể tìm được trên mạng.