Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay sát với ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật nên người lao động được nghỉ đến 4 ngày. Đây là cơ hội lý tưởng để người người, nhà nhà đổ xô đi du lịch để thư giãn sau những ngày lao động mệt mỏi trong suốt một năm.
Những ngày này không chỉ đường phố ở thủ đô Hà Nội vắng tanh mà ngay cả ở những làng quê lượng người cũng thưa thớt. Trong khi đó những điểm du lịch biển như Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long, Quan Lạn, Cô Tô (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An); Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Phú Quốc...hay những điểm du lịch ngắm cảnh, nghỉ dưỡng như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)...luôn nườm nượp du khách. Ngoài ra, những tour du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hongkong, Du bai, Hàn Quốc, Nhật Bản...luôn chật kín khách Việt.
Du khách phải đi bộ khi quãng đường về đảo Cát Bà tắc nghẽn. |
Đó là những tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế diễn ra tại các điểm du lịch, một câu hỏi từ nhiều năm qua lại được đặt ra và đến nay vẫn chưa có câu trả lời: Đi du lịch mất số tiền lớn mua sự thư giãn vui vẻ hay chuốc thêm vào mình sự bực bội, mệt mỏi vào bản thân trong kỳ nghỉ lễ?
Không khó để tìm những ví dụ chứng mình cho sự mệt mỏi của du khách khi đến các điểm du lịch trong nước phải trong cảnh ùn tắc, chen lấn, xô đẩy, thậm chí là bị chặt chém. Nói du lịch kiểu hành xác không sai khi mà du khách đến đảo Cát Bà (Hải Phòng) phải nhích từng tí trên quãng đường khoảng 5km từ chân cầu Tân Vũ đến bến Phà Gót tắc nghẽn do chật kín người và xe khiến nhiều du khách phải đi bộ suốt quãng đường trên hoặc phải bỏ ra 50 ngàn đồng cho 2 người để đi xe ôm với quãng đường khoảng 2 km. Không mệt mỏi sao được khi các bãi tắm, điểm du lịch luôn trong tình trạng chật như nêm, tắm biển mà như tra tấn, ngắm cảnh phải nhích từng bước chân.
Không bực bội sao được khi vượt qua quãng đường dài đến bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), ngồi uống nước phải trả cả phí ghế ngồi. Không ức chết sao được khi ngay trên những chuyến xe chở khách đến các điểm du lịch cũng trong cảnh “nhồi nhét” như chiều 30 tết bắt buộc phải về quê mới lên những chuyến xe như thế. Đã vậy, tại các điểm du lịch, những khách sạn nhà nghỉ uy tín đã hết chỗ từ trước do các công ty lữ hành đã đặt tour từ nhiều tháng trước, khách đi tự túc phải khó khăn khi tự đi đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn ở gần điểm du lịch với giá gấp nhiều lần ngày thường. Đi lại, tìm chỗ nghỉ ngơi đã vất vả nhưng ăn uống còn khổ hơn nhiều khi nhiều hàng quán “mài dao cả năm, chặt có 4 ngày”, lại không có gì đảm bảo những đồ ăn, thức uống có đảm bảo vệ sinh hay không?
Công bằng mà nói, với những điểm du lịch uy tín được đầu tư bài bản, nhiều tiện nghi và khách lựa chọn những công ty lữ hành uy tín thì sẽ có kỳ nghỉ lễ như “thượng đế”, nhưng số tiền bỏ ra cho những tour du lịch cao cấp này không hề rẻ và không phải đối tượng du khách nào cũng có thể tham gia những tour trên. Đa số du khách nội địa đi du lịch kiểu tự túc để tiết kiệm chi phí và những du khách này luôn là “miếng ngon” cho những đối tượng, cơ sở du lịch làm ăn kiểu chộp giật... “mài dao cả năm, chém 4 ngày”.
Bên cạnh đó, dù các điểm du lịch, các công ty lữ hành đã lên kế hoạch phục vụ cho kỳ nghỉ lễ nhưng do lượng khách quá đông dẫn đến tình trạng quá tải. Cảnh trần ai trong du lịch như chen lấn, xô bồ, chặt chém ở các điểm du lịch cộng với việc du khách phải vất vưởng, mệt mỏi khi phải bon chen ngay trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ lễ thì đúng là kiểu du lịch hành xác.
Khi mà ngành du lịch chưa có giải pháp hữu hiệu giảm tải tình trạng quá tải tại các điểm du lịch, cũng như hạn chế được tình trạng tăng giá bất thường ở các điểm du lịch. Cũng như các cơ quan chức năng quản lý ở các địa phương vẫn chưa thể hiện được vai trò trong quản lý, bảo vệ khách du lịch khỏi tình trạng tăng giá, chặt chém, chưa nâng cao được chất lượng dịch vụ du lịch cũng như môi trường du lịch. Khi mà đâu đó vẫn còn kiểu làm du lịch chộp giật, gặp khách nào “chém” khách đó, khi mà người ta vẫn làm du lịch kiểu thành tích kiểu địa phương này báo cáo đón mấy vạn khách, địa phương kia đón mấy triệu khách mà quên đi nâng cao dịch vụ, quản lý hoạt động du lịch cơ sở thì việc khách du lịch lâm cảnh hành xác vẫn còn dài dài.
Du khách khi lâm cảnh du lịch hành xác luôn tự hỏi tại sao biết như vậy nhưng năm sau người ta vẫn đến và đi du lịch để khỏe mạnh, yêu đời hơn, sao phải mất tiền để gánh thêm mệt mỏi, khó chịu vào người vì cảnh chen chúc, chặt chém mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày để rồi mang sự bực bội ấy về gia đình, công việc sau kỳ nghỉ lễ nhưng năm sau họ vẫn đi.
Giải pháp nào để lấy lại niềm tin của du khách không chỉ ngành du lịch hay cấp quản lý địa phương mà chính những người làm du lịch ở cơ sở phải tự chỉnh đốn lại mình, tránh tình trạng “khách quốc tế một đi không trở lại” và khách nội địa đi du lịch về phải thở than, ngán ngẩm.