Theo đó, để có thể khởi công cầu Phước An vào quý III/2022, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với tỉnh này việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án cầu Phước An theo nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được Bộ Giao thông vận tải thẩm định bằng nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án cầu Phước An để thuận tiện cho việc phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện dự án.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản thống nhất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về vị trí xây dựng dự án cầu Phước An nối thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Vị trí xây dựng cầu Phước An cách cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) 150 m, đảm bảo khoảng cách hành lang an toàn đối với cầu theo quy định của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Phối cảnh dự án. Ảnh Đồng Nai. |
2 tỉnh cũng thống nhất phương án kết nối giao thông giữa cầu Phước An và cảng Phước An theo phương án bố trí quay đầu dưới gầm cầu Tắc Nhã Phương với bán kính quay 30 m, vận tốc thiết kế 30 km/h.
Trong văn bản, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị 2 địa phương phối hợp với nhau, tiếp tục triển khai các bước tiếp theo đảm bảo an toàn giao thông, khai thác thuận lợi, lâu dài, đáp ứng khả năng lưu thông của các phương tiện giao thông khi đưa vào sử dụng.
Được biết, dự án xây dựng cầu Phước An thuộc giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng liên cảng Cái Mép – Thị Vải đã được phê duyệt từ năm 2009. Giai đoạn 1 là xây dựng tuyến đường liên cảng dài 19,65km đã hoàn thiện.
Riêng dự án cầu Phước An sau đó đã được điều chỉnh có chiều dài khoảng 3,76km bao gồm đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục về phần cầu, đường dẫn đầu cầu. Tổng vốn đầu tư của dự án là 4.879 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Cầu Phước An sau khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải với cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc T P HCM – Long Thành – Dầu Giây tạo ra một hệ thống giao thông đồng bộ, giúp vận chuyển hàng hóa trong khu vực nhanh và thuận lợi hơn.