Dự án có tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng
Ngày 16/6, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Dự án có chiều dài khoảng 53,7 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Từ năm 2022 chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2026.
Danh mục các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 17.837 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 14.270 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 3.567 tỷ đồng.
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 519,64 ha. Trong đó, đất trồng lúa khoảng 34,29 ha, đất dân cư khoảng 30,45 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 205,31 ha, đất trồng cây hàng năm khoảng 52,63 ha, đất nuôi trồng thủy hải sản khoảng 2,55 ha và đất khác khoảng 194,41 ha. Giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch.
Bà Rịa – Vũng Tàu dồn sức giải phóng mặt bằng
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành chức năng và địa phương phải đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đúng tiến độ cũng như đủ khối lượng các loại nguyên vật liệu.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51 hiện đã quá tải.
HĐND tỉnh đã thống nhất bố trí 670 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chi trả 50% chi phí giải phóng mặt bằng dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm, thời gian qua, ngoài bố trí vốn chi trả chi phí giải phóng mặt bằng, tỉnh cũng tiến hành nhiều hoạt động chuẩn bị cho việc triển khai dự án như: thành lập Tổ công tác hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng dự án; đề nghị Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) và đơn vị tư vấn TEDI bàn giao trước tim mốc tuyến đường cao tốc để địa phương chủ động hơn trong việc quản lý tài nguyên đất và triển khai xây dựng.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu người dân các địa phương nằm trong diện di dời giải tỏa để thi công dự án cao tốc không được tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa và các công trình khác. Sở GTVT đã họp với 2 địa phương là thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ bàn giao tim mốc tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tại các địa bàn: Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Tóc Tiên, Châu Pha của thị xã Phú Mỹ; xã Tân Hưng và xã Hòa Long của thành phố Bà Rịa.
Theo ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Bà Rịa, qua khảo sát, tổng số hộ bị thu hồi đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố dự kiến khoảng 600 hộ. Diện tích đất bị thu hồi dự kiến hơn 300.000m2. Trong đó, bồi thường đất ở dự kiến hơn 260 lô; giao đất ở dự kiến hơn 140 lô. Hiện công tác kiểm đếm, thống kê đang được hoàn thiện để báo cáo UBND tỉnh.
Đồng Nai chuẩn bị tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương và cam kết số vốn ngân sách địa phương vào dự án với 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng tương đương với hơn 2.600 tỷ đồng. Trong trường hợp điều chỉnh tăng thêm tổng mức vốn đầu tư của dự án, tỉnh Đồng Nai cũng cam kết bố trí đủ số vốn tăng thêm (tương ứng với 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Cả Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đều khẩn trương chuẩn bị mặt bằng làm dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Theo ông Vũ Xuân Dự, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, Bộ GTVT đề xuất thực hiện phân kỳ đầu tư đối với dự án. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án được đề xuất đầu tư với quy mô từ 4 - 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/giờ. Trong đó, đoạn từ thành phố Biên Hòa - Long Thành (nút giao với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) và đoạn từ Tân Hiệp (Long Thành) đến quốc lộ 56 sẽ đầu tư với quy mô 4 làn xe (quy hoạch hoàn thiện 6 làn xe); riêng đoạn Long Thành - Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) sẽ đầu tư xây dựng với quy mô 6 làn xe (quy hoạch hoàn thiện 8 làn xe).
Do đó, để phục vụ xây dựng dự án, Đồng Nai sẽ thực hiện thu hồi diện tích đất gần 373ha trên địa bàn thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành. Với diện tích đất cần thu hồi như trên, dự kiến dự án sẽ phải thực hiện bố trí tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân.
Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cũng cho biết, Thành phố đã tiến hành rà soát lại quỹ đất trên địa bàn. Qua rà soát, hiện có 4 khu đất gồm 3 khu trên địa bàn phường Phước Tân và 1 khu tại phường Tam Phước được lựa chọn để xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án.
Trong khi đó, huyện Long Thành phải bố trí tái định cư cho hơn 1 ngàn hộ dân. Hiện nay, huyện xác định được 2 khu đất để xây dựng các khu tái định cư gồm 1 khu có diện tích gần 30ha thuộc địa bàn xã Long Đức và 1 khu có diện tích khoảng 32ha tại xã Long Phước.
Đánh giá về vai trò của dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án quan trọng quốc gia, nếu được đầu tư xây dựng sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn, mở ra con đường huyết mạch góp phần mở rộng không gian phát triển cho tỉnh Đồng Nai. Tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là khi kết hợp với sân bay Long Thành, kết nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành.
Vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, trong đó có 4 địa phương trong vùng gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thuộc nhóm cao nhất cả nước.
>>> Mời độc giả xem thêm video 11.100 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái:
(Nguồn: Nhân Dân)