Những thông tin về việc xử lý các vấn đề vi phạm tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội thời gian qua. Và điều được nhiều người đặt ra là có hay không chuyện dự án 8B Lê Trực không thuộc đối tượng phải xin cấp phép xây dựng nhưng vẫn được yêu cầu làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng?
Dự án 8B Lê Trực. |
Xung quanh vấn đề này, theo tìm hiểu của phóng viên, dự án 8B Lê Trực đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định 2452/QĐ-UBND từ năm 2008. Theo đó, lô đất có ký hiệu L30 (lô đất xây dựng dự án 8B Lê Trực) được phép xây dựng cụm công trình nhà ở 4 tầng và cụm hỗn hợp cao 17 tầng, khối đế 05 tầng, chiều cao tối đa công trình tuân thủ ý kiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó, theo văn bản số 82/TM-Tg1 của Bộ Tổng Tham mưu trả lời Công ty Cổ phần May Lê Trực về việc thỏa thuận độ cao công trình xây dựng Trung tâm Thương mại – Văn phòng – Nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực nêu rõ: Về mặt quản lý vùng trời – quản bay, đồng ý độ cao tĩnh không tối đa của công trình nêu trên là 70 mét trên cốt đất 7 mét”.
Một điểm đáng lưu ý, liên quan đến dự án 8B Lê Trực, ngày 16/3/2009, Sở Quy hoạch – KIến trúc Hà Nội đã có văn bản số 499/QHKT-P3 chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng và Phương án thiết kế kiến trúc với quy mô công trình 20 tầng (bao gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái - tổng cộng là 20 tầng). Văn bản này yêu cầu Công ty May Lê Trực xây dựng công trình đúng với chiều cao thỏa thuận của Bộ Tổng tham mưu (không quá 70m).
Đồng thời, tại văn bản này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc mà Hà Nội cũng đề nghị Công ty May Lê Trực liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng theo Quyết định 79/2007/QĐ-UBND ngày 11/7/2007. Điều này có nghĩa việc cấp phép xây dựng (nếu có) phải thực hiện theo Quyết định 79 này.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Quyết định 79 thì: Công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không phải xin phép xây dựng.
Như vậy, theo văn bản số 499/QHKT-P3 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội thì công trình 8B Lê trực thuộc trường hợp không phải xin phép xây dựng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao dự án 8B Lê Trực không thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng nhưng đến năm 2014, tức sau gần 5 năm, khi dự án đã được triển khai, Hà Nội lại yêu cầu chủ đầu tư phải làm thủ tục xin cấp phép xây dựng? Việc làm này có đúng không, nếu đúng thì căn cứ theo quy định nào của pháp luật?
Đây là điều mà Hà Nội cần phải làm rõ với không chỉ chủ đầu tư mà với cả dư luận xã hội để quá trình xác định và xử lý vi phạm tại dự án 8B Lê Trực có được sự đồng thuận từ phía người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp.