“Cơm niêu nước lọ”... săn chim chiến
Có mặt tại sân chơi chim cảnh bán đảo Bắc Linh Đàm, hay hồ Thủ Lệ (Hà Nội) vào Chủ nhật hàng tuần..., chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh hàng chục lồng chim cảnh đủ chủng loại được các chủ lồng cho đi “dợt” (đem chim ra ngoài treo cùng những lồng khác để chim dạn). Phải chăm chú lắng nghe câu chuyện của những chủ lồng này mới thấy hết sự công phu trong việc chọn và “om” được một chú chim thiện chiến.
Gặp Đạt “quân sư” – một người đam mê nuôi chim chiến nổi tiếng ở câu lạc bộ chim cảnh T.T. (Hà Nội), tôi được anh này bật mí rất nhiều chiêu độc trong nuôi và luyện chim cu gáy chiến. Theo Đạt, những người chưa chơi cu gáy thường cho rằng, tiếng cu gáy buồn và đơn điệu, nhưng những ai am hiểu và đam mê thì thấy không phải như mọi người nghĩ. Cái hay của cu gáy chỉ người nuôi, chăm sóc mới cảm nhận hết được và khó diễn tả bằng lời. Điều này rất quan trọng với người chơi cu gáy đấu phải chọn những chú cu gáy giọng to, gắt và nếu sở hữu đầy đủ chu, đe, lèo, dặm, vấp, ngọng, mơ thì là nhất bảng. “Nói thì dễ nhưng với những ai chót “thương chim cu gáy” thì coi như đã chọn vào một trong 3 thứ “ngu” nhất của con người”, Đạt “quân sư” cười nói.
Anh này không quên giải thích bằng một câu ca dao: “Trên đời có bốn cái ngu / Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. Cứ như câu ca dao trên thì “gác cu” là việc ngu thứ ba trong bốn cái ngu nhất của con người. Thế nhưng, cái “ngu” ở đây hàm ý rằng, không phải ai cũng hiểu và biết chơi cu gáy đặc biệt là cu gáy chiến. Cái thú vị nhất trong nghề chơi chim cu gáy chiến không chỉ là nghe tiếng gù (hót) mà là huấn luyện. Để luyện được một chú cu thiện chiến có giọng khỏe, can trường để “oanh tạc” giọng các con khác trong một trận đấu không phải dễ.
Ảnh minh họa. |
Cũng theo lời tiết lộ của dân chơi, chim cu gáy có đặc điểm là sống theo bầy đàn và có một con làm thủ lĩnh. Mỗi khoảng rừng sẽ có một đàn chim cùng một “ông hoàng” ngự trị. Con chim đầu đàn làm nhiệm vụ bảo vệ và lấy giống cho cả đàn. Bất kỳ con chim lạ nào xâm nhập lãnh địa, chim đầu đàn có trách nhiệm ra đuổi đánh. Người chơi chim gáy chiến phải am hiểu điều này để có những cách “om” đặc biệt nhằm “cài” và khơi dậy bản năng thủ lĩnh vào con chim gáy của mình. Có làm được vậy mới mong mỗi khi “vào độ” giành được phần thắng.
Một chủ lồng khác mà tôi gặp tại sân chim này là anh Nguyễn Thắng (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội). Cũng là một dân luyện chim chuyên nghiệp nhưng anh Thắng khác Đạt “quân sư” ở chỗ, anh có sở trường luyện chào mào thi đấu giàn. Tay chơi này chia sẻ: Chào mào là giống dễ nuôi và dễ chơi nhưng để có chim đấu giàn tốt là điều không đơn giản. Ngoài việc chọn được chú chim có bản năng lỳ lợm, yếu tố không kém phần quan trọng là cách chăm chim và dìu chim của người nuôi, cũng giống như một huấn luyện viên bóng đá vậy.
Quan trọng nhất đối với người chơi chào mào thi đấu giàn là kỹ thuật căng lửa cho chào mào. Cách thức lên lửa cho chim có nhiều cách, nhưng nếu chim nuôi thuần túy thì không nên ép lửa, vì nếu không biết hạ lửa sẽ nguy hiểm. Khi đem thi đấu có thể khiến bể “độ” như chơi. Anh Thắng cũng chia sẻ một kỹ thuật lên lửa thường được dân chơi chào mào thi đấu giàn sử dụng là “cầm tù, giam lỏng”. Theo đó, chim được tách ra một góc riêng biệt, có thể là gửi nhà khác không chơi chào mào, không cho chim nhìn thấy chim lạ hay chim nhà và không được nghe bất kỳ một tiếng chào mào nào khác, giống như giam lỏng, chỉ cho tắm và phơi nắng gắt. Cách này giống như làm cho chim bực tức, khi ép lên giàn chim sẽ chơi căng hơn. Kỹ thuật này cũng an toàn, hiệu quả tương đối, tách trước 1 tháng trước khi thi.
Bi hài “chim tặc” lộng hành
“Om” được một chú chim ưng ý vất vả là vậy, nó có giá hơn nữa khi chú chim ấy lọt vào các top cao trong mỗi hội thi hay trận độ. Thế nhưng, như lời Đạt “quân sư” than vãn, sự nổi tiếng của một chú chim sẽ vô tình đưa nó vào tầm ngắm của các “chim tặc” khiến chủ nhân phải thêm một nỗi “lao tâm khổ tứ” nữa là “canh chim”.
Chính Đạt “quân sư” cũng từng là nạn nhân của “chim tặc”. Anh này kể trong tiếc nuối rằng, mình bỏ gần 9 tháng trời “om” được con chào mào lửa thường treo trên giàn tầng 3 ở nhà. Định bụng sẽ chuyển nó vào giai đoạn giàn thi đấu, bỗng một ngày nắng đẹp dắt xe ra cùng với “em ý” (chỉ con chào mào lửa), anh tạm treo lồng ra dây ngoài hiên. Vừa quay vào dắt xe máy ra thì chẳng thấy lồng đâu cả. Chạy ra đầu ngõ, bà bán nước nói thấy có hai thanh niên choai choai vừa xách lồng phóng xe máy vụt qua. Thế là mất đứt con chim hơn 5 triệu bạc.
Cũng theo tìm hiểu của PV, trên nhiều diễn đàn chim cảnh hiện nay, không ít chủ lồng chỉ biết than khóc vì vừa bị “vuột” mất con chim quý. Một chủ lồng có tên Thanhthiennuong98@... nức nở trên diễn đàn mạng: “Mình vừa bỏ ra cả chục triệu mua được em chào mào từng lọt vào top 20 của một cuộc thi. Dù nhà cửa đóng then cài cẩn thận vậy mà chỉ sau giấc ngủ trưa, cả chim và lồng không cánh mà bay”.
Điều tra của PV cho thấy, “chim tặc” thường dùng một chiếc cần giống như cần câu cá, khi cần thì kéo dài ra. Chỉ cần một lỗ nhỏ đủ đút vào, “cẩu” lồng chim ra, úp sẵn một chiếc vợt, mở cửa lồng, chim lao ra và... bỏ túi. “Chim tặc” lộng hành đến nỗi trên các diễn đàn chim cảnh và các câu lạc bộ chơi chim liên tục đăng tải cảnh báo và thủ đoạn của loại tội phạm này. Nó cũng được biết đến với tên gọi hội “săn chim lồng”.
Một đầu nậu chuyên tiêu thụ chim từ các “chim tặc” trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho biết: Giới “săn chim lồng” có hẳn một dàn đệ tử nắm bắt rất rõ thông tin về những chủ lồng có chim tốt thông qua những buổi “dợt” chim tại các sân chơi chim. Họ cũng cập nhật tất cả các danh sách những con chim đã từng lọt vào top trong của các cuộc thi để khi có đơn “đặt hàng” sẽ tiến hành “câu” chim. Đầu nậu này cũng cho biết “chim tặc” một khi đã ra tay đều “săn” được những chú chim giá trị bán giá rất cao. Thậm chí họ bán chim riêng, lồng riêng bởi có những chiếc lồng chủ nhân đã bỏ hàng chục triệu nhằm tương xứng với chim quý. Như vậy chủ chim chịu “thiệt đơn, mất kép”.