Gọi là Đại Giang vì đây là con sông lớn nhất, hoành tráng nhất chảy xuyên qua giữa rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Long Đại, và cũng chính làng quê tôi lại mang tên của dòng sông ấy - làng Long Đại,thuộc huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình. Nhiều lần bố tôi giảng giải rằng: Long Đại nghĩa là “Rồng lớn”.
Sông Long Đại. Ảnh: Vinh Gấu. |
Con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và chảy theo hướng Đông - Bắc, chảy qua nhiều vùng núi non hiểm trở. Sông chỉ dài khoảng 100km nhưng có đến hơn 100 thác nước lớn nhỏ. Trong đó, đẹp nhất có lẽ là thác Tam Lu nằm ở địa phận xã Trường Sơn với cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ. Thác có độ cao hơn 20m, phân thành 3 bậc nước tuyệt đẹp tựa như 3 chiếc lu đang nghiêng dòng đổ nước xuống nên người dân gọi là thác Tam Lu. Với dòng sông nước xanh biêng biếc, thác nước hùng vĩ, là nơi thử thách bao chàng trai cho thuyền ngược thác. Hai bên bờ sông có những làng nhỏ nằm thấp thoáng sau tán cây, tĩnh mịch. Thỉnh thoảng những chiếc thuyền câu, thuyền chài… với những mái chèo khua nhẹ trên mặt nước, đẹp lung linh và rất đỗi thanh bình.
Làng tôi bắt đầu từ cầu Long Đại Đông, chiếc cầu xi măng hiện đại chạy song hành cùng cầu đường sắt Bắc - Nam. Phía Nam làng trải dài uốn lượn theo dọc bờ sông Long Đại trong xanh, đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc. Điểm cuối của dòng sông Long Đại là nơi hợp lưu đôi dòng của sông Long Đại và sông Kiến Giang tại ngã Ba Trần Xá (xã Hàm Ninh) thành dòng sông Nhật Lệ đổ ra biển. Đứng trên cầu Long Đại nhìn về cuối dòng sông như đuôi con “rồng lớn” đang uốn lượn quanh làng, tựa như dải lụa xanh tạo nên hồn quê ngọt ngào đang miệt mài xuôi dòng biển cả.
Dòng sông ấy đã gắn liền trong ký ức tôi bằng những kỷ niệm buồn, vui của tuổi thơ. Từ khi cất tiếng chào đời, tôi đã nghe tiếng xôn xao của con sóng hòa trong lời ru ầu ơ của mẹ, vang vọng bên bến nghèo. Tuổi thơ cùng bạn bè vùng vẫy trên sông, ôm con sóng lao xao, ôm bao điều khát vọng, với niềm mơ ước lớn lên sẽ được làm anh lính thủy. Chúng tôi bắt cá, tôm bên những lùm cây rủ bóng xuống mặt sông. Dưới sông chúng tôi bỏ chuôm bằng những bó lá cây cho cá, tôm chui vào trú ngụ. Khi nước ròng cá, tôm “ngủ quên” không chui ra những bó cây ấy, thế là chúng bị tóm gọn.
Có lần, tôi cùng các bạn được chị hàng xóm chở đò sang làng bên xem phim. Ánh trăng rằm vành vạnh như chiếc đĩa khổng lồ long lanh trên mặt sông, đứa nào cũng giành bóng trăng là của mình. Khi mái chèo của chị hàng xóm khua vào mặt nước, ánh trăng vỡ vụn, cả mấy đứa nhao nhao đòi bắt đền.
Những hôm nghỉ học, tôi cùng mẹ đi hái củi bần dọc bờ sông. Cây bần mọc lên lầm lũi với thời gian, chống chọi bao nhiêu cơn bão, lũ của thiên nhiên; với bộ rễ rộng, dài để chống sạt lở và chống sóng. Những cây bần như cột nhà sần sùi những vết bom đạn của địch. Nơi đây là chỗ ẩn náu của những chiếc ca nô, tàu bè của bộ đội chở quân, đạn dược sang sông.
Năm 1965, chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng trên miền Bắc. Trong đó, những năm 1967 – 1968 và năm 1972 là những năm ác liệt nhất của mảnh đất “lửa” Quảng Bình, làng tôi ngày đêm chìm trong khói lửa với biết bao bom đạn máy bay Mỹ trút xuống. Dòng sông Long Đại có 2 bến phà, đó là bến phà Long Đại 1 và bến phà Long Đại 2 nằm cách nhau gần 1 km, nơi nối những tuyến đường quan trọng trong việc vận chuyển người và lương thực cho tiền tuyến. Chính vì vậy, nơi đây trở thành điểm bắn phá ác liệt của Mỹ nhằm cắt đường vận chuyển, tiếp tế của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
“Lũy thép bờ Bắc” Long Đại năm xưa đã có những năm tháng chìm trong khói lửa chiến tranh ác liệt, bom cày đạn xới, hố bom chồng lên hố bom. Những trận đánh ác liệt diễn ra trên sông ấy không thể lường hết được thiệt hại, và có những đồng đội đã hy sinh anh dũng, nằm mãi dưới đáy sông. Nhưng điều đó càng tiếp thêm sức mạnh để những người còn sống, dũng cảm chiến đấu hết mình bảo vệ Tổ quốc, quê hương.
Ngày xa mái trường thân yêu, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tại bến sông này, mẹ quay lưng gạt dòng nước mắt chia tay tôi lên đường đánh giặc với bao quyết tâm và lời hẹn ngày về vùng vẫy bến sông quê.
Chiến tranh đã lùi xa, làng Long Đại hôm nay đã mướt tràn màu xanh sức sống. Quê hương chuyển mình thay đổi theo dòng chảy của đất nước. Trên dòng sông Long Đại, nước trong veo, rủ bóng những bờ tre xanh mướt, những gợn sóng lấp lóa nắng chiều long lanh như vảy cá, tiếng chim ríu ran trên bờ. Những chiếc thuyền chài, thuyền câu lại dập dìu trên sông. Thỉnh thoảng những chiếc sà lan, tàu vận tải chở những chuyển hàng xuôi ngược.
Sông Long Đại ngoài những kỳ tích lịch sử còn mang những vẻ đẹp hoang sơ, tạo nên cảnh quan du lịch. Từ thành phố Đồng Hới, du khách có thể đi thuyền ngắm cảnh đẹp cửa biển dòng sông Nhật Lệ, thăm cầu Quán Hàu. Sau đó, xuống thuyền ghé thăm bến phà Long Đại, là địa điểm quan trọng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược, nhân lực vượt sông vào miền Nam chiến đấu. Sau khi dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn phà Long Đại, du khách đến núi Thần Đinh - điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Quảng Bình.
Ngược dòng Long Đại là một trải nghiệm rất thú vị cho những du khách. Dọc hai bên bờ sông là những bản làng của người Vân Kiều chen lẫn làng người Kinh cùng sinh sống, bạn được chiêm ngưỡng những ngọn núi trùng điệp với nhiều hình thù, sắc thái. Với chặng đường dài trên sông, du khách thỏa thích ngắm nhìn phong cảnh, nghe kể chuyện lịch sử bi hùng của dòng sông. Không những thế bạn sẽ được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa, ẩm thực, mật ong rừng và các sản phẩm mây tre. Đến với thác Tam Lu sẽ thật sự ngỡ ngàng trước tài ba của người chèo thuyền trên sông Long Đại. Cái cảm giác được ngồi trên thuyền của một tay lái cừ khôi bỗng thấy mình như đang bay trên những cột sóng trắng xóa giữa núi non hùng vĩ, thác nước ầm ào. Trong tương lai không xa, khi có sự đầu tư thích đáng, sông Long Đại sẽ là điểm đến du lịch tuyệt vời của khách thập phương.
Qua bao biến thiên của lịch sử, Long Đại vẫn mang đầy nét đẹp về thuần phong mỹ tục của một làng quê ăm ắp tình đất, tình người. Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng người dân làng Long Đại vẫn gắn bó với mảnh đất này, lưu giữ những nét đẹp văn hóa cổ truyền của chính quê hương mình như hơi thở, như máu thịt.
Dòng sông quê hương, nơi mảnh đất yêu dấu là nơi để tôi gửi gắm tình yêu thương, là nơi nâng bước chân tôi về với cội nguồn. Dù có ở nơi đâu, sông Long Đại, làng Long Đại là nơi ghi dấu những ký ức của một thời tuổi trẻ, là mạch nguồn chảy mãi trong tôi.