Đông nghẹt ngày gặp gỡ Du Tử Lê giữa Hà Nội
(Kiến Thức) - Chưa có buổi gặp gỡ nhà thơ nào người người phải chen nhau giành một chỗ đứng như trong buổi tối gặp tác giả của Khúc thụy du – Nhà thơ Du Tử Lê ở Hà Nội.
Trước cửa căn nhà mặt phố của họa sĩ Lê Thiết Cương ở Lý Quốc Sư, Hà Nội chiều 3/6 bỗng đông nghẹt người. Ai cũng có mặt từ rất sớm để giành một chỗ có thể nhìn thấy rõ khuôn mặt nhiều năm họ muốn gặp một lần – nhà thơ Du Tử Lê. Lần về nước này, Du Tử Lê đã có chuyến đi từ Nam ra Bắc, giới thiệu tập thơ Giỏ hoa thời mới lớn. Tập thơ này không phải là những sáng tác mới nhất của ông, nhưng là tập hợp những bài thơ, mà Du Tử Lê bảo: “trở về tuổi thơ bằng thi ca” mà ông chọn.
|
Nhà thơ Du Tử Lê cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương, người đã dành nhiều tâm sức cho thiết kế tập thơ Giỏ hoa thời mới lớn của mình. |
Giỏ hoa thời mới lớn còn là cái cớ để để Du Tử Lê có thể gặp những người đã yêu mến thơ ông suốt những năm tháng qua. Ở TPHCM, những buổi gặp người viết ra Khúc thụy du (Ngô Thụy Miên phổ nhạc), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (Phạm Duy phổ nhạc)… đã nhận được nhiều sự tri ân. Ra tới Hà Nội ông cũng bất ngờ trước sự chào đón của quá đông người hâm mộ.
Dù buổi gặp gỡ, theo họa sĩ Lê Thiết Cương chỉ dự định dành cho những bạn bè thân thiết, nhưng cuối cùng đã “đông khác thường”. Nhà thơ Bằng Việt, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, Du Tử Lê là một tri thức lớn, bên cạnh một tài năng thi ca. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại nhận định, Du Tử Lê là người nói chuyện bằng thơ có sức hút kỳ lạ suốt nhiều thập kỷ.
Du Tử Lê, một người có số phận đặc biệt. Nhưng hơn cả, ông là người hiện sở hữu lượng thơ được phổ nhạc nhiều nhất nhì Việt Nam (với khoảng 300 bài – theo nhà thơ Thụy Kha). Tới nay, ông cũng là nhà thơ Châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo của Mỹ: Los Angeles Time (1983) và New York Times (1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại tại một số trường đại học Hoa Kỳ và châu Âu.
Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Trong số đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như Khúc Thụy Du (Anh Bằng), Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Quê hương là người đó (Phạm Đình Chương), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (Phạm Duy), Trên ngọn tình sầu (Từ Công Phụng)…
Ông sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam. Hiện ông đang sống ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết.