Lễ khởi công các dự án giao thông trên được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP HCM với các điểm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 dự án trọng điểm đồng loạt tổ chức khởi công hôm nay có tổng chiều dài 247km, tổng vốn đầu tư 115.000 tỷ đồng. Đây là chuỗi dự án trọng điểm của ngành giao thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án vành đai 3 TP HCM |
Đặc biệt, cả 3 dự án này đều được áp dụng cơ chế đặc thù, như: đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao cho các địa phương; áp dụng cơ chế huy động tổng lực các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn phân bổ từ Trung ương và địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn vốn đầu tư trung hạn, các nguồn vốn hợp pháp khác, vốn cho chương trình phục hồi sau đại dịch; áp dụng chỉ định thầu rút ngắn thời gian khởi công dự án.
“3 cơ chế này được các địa phương mạnh dạn áp dụng, không nóng vội đã giúp rút ngắn thời gian khởi công dự án, thay vì 2 năm chuẩn bị thì chỉ còn 1 năm như hiện nay”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương... rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc triển khai trước đó để thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo dự án đúng tiến độ, không đội vốn, không chia nhỏ gói thầu. Song song đó, phải chăm lo tốt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án. Làm sao cho người dân có nơi ở mới, sinh kế mới, điều kiện sống tốt hơn để bà con tiếp tục ủng hộ những dự án tiếp theo.
Phối cảnh nút giao Tân Vạn thuộc dự án vành đai 3 khi hoàn thành. |
Vành đai 3 có điểm đầu tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Khi hoàn thành, vành đai này cùng cao tốc Bến Lức sẽ tạo trục giao thông bao quanh khu vực TP HCM, hạn chế xe phải chạy xuyên tâm qua nội đô.
Ở giai đoạn 1, công trình được xây dựng trước 4 làn cao tốc ở giữa, đường song hành hai bên qua các khu dân cư. Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics... Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển Vùng trọng điểm phía Nam.
Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng, đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh quốc lộ 1, đoạn qua TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần do các địa phương tuyến đi qua cùng Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì triển khai. Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km đi qua địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng.
Giai đoạn đầu, cao tốc này được xây dựng 4 - 6 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2026. Tuyến đường khi đưa vào khai thác sẽ kết nối với trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành, cảng biển, cùng các trung tâm kinh tế, góp phần phát triển cho toàn vùng Đông Nam Bộ.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa |
Dự án bắt đầu từ nút giao quốc lộ 26B - quốc lộ 1 (thị xã Ninh Hoà, Khánh Hòa) và kết thúc tại điểm giao với đường Hồ Chí Minh, phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Công trình được xây dựng trước 4 làn xe, rộng 17 m, dự kiến khai thác năm 2027. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ tạo trục ngang liên kết khu vực Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường ven biển... góp phần thúc đẩy phát triển vùng.
Cũng trong sáng nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công dự án cầu Phước An nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua Đồng Nai.
Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công dự án cầu Phước An. |
Cầu Phước An sẽ kết nối tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), kết nối các tuyến cao tốc liên vùng như Bến Lức - Long Thành, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn gần 30km quãng đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây Nam Bộ và ngược lại. Đồng thời, giảm tải cho tuyến đường độc đạo đi Vũng Tàu - Quốc lộ 51 vốn đã quá tải nhiều năm nay.
Theo thiết kế, dự án cầu Phước An có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4,7km, điểm đầu kết nối với tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải. Điểm cuối kết nối với tuyến đường vào cảng Phước An.
Tổng mức đầu tư công trình gần 4.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 2.900 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2027.