Đồng loạt giảm lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ mất bao nhiêu lợi nhuận?
(Kiến Thức) - Vietcombank dự kiến sẽ giảm hơn 6 nghìn tỷ đồng thu nhập từ lãi trong chương trình giảm lãi suất cho vay của năm 2021, các nhà băng khác cũng không ngoại lệ.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kêu gọi các nhà băng giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã có động thái tích cực.
Đây cũng chính là một điều kiện được ưu tiên khi NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng bên cạnh tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) vừa có thông báo cắt giảm lãi suất diện rộng.
Theo đó, Vietcombank sẽ cắt giảm lãi suất cho vay từ ngày 15/07/2021 đến hết năm 2021 với mức 1 điểm %/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 và tối đa 1 điểm %/năm cho các khách hàng doanh nghiệp còn lại.
Đối với khách hàng cá nhân, VCB sẽ giảm lãi suất cho vay tối đa 1 điểm %/năm.cho các khoản vay với mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh và lên đến 0,5 điểm %/năm cho các khoản vay với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Chương trình này sẽ không áp dụng cho những khách hàng đã được ưu đãi lãi suất cho vay.
Cũng theo VCSC, trong 6T2021, Vietcombank đã hỗ trợ cho 400 nghìn tỷ đồng khoản vay (tương đương 43% tổng dư nợ cho vay 6T2021), ước tính ngân hàng đã mất khoảng 2 nghìn tỷ đồng thu nhập từ lãi cho việc hỗ trợ này, tương đương với việc cắt giảm lãi suất trung bình là 50 điểm cơ bản cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Vietcombank dự kiến với chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay mới này sẽ mất đi khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng thu nhập từ lãi để hỗ trợ khách hàng.
Cho cả năm 2021, ngân hàng dự kiến sẽ giảm hơn 6 nghìn tỷ đồng thu nhập từ lãi, nghĩa là có thể VCB đang hướng tới mục tiêu hỗ trợ lãi suất cho vay trung bình 60 điểm cơ bản (tính theo giả định của VCSC về tổng dư nợ năm 2021) so với mức hỗ trợ trung bình của năm 2020 là khoảng 40 điểm cơ bản, theo ước tính của VCSC Theo đó, theo ước tính sơ bộ, NIM của VCB có thể sẽ giảm khoảng 20 điểm cơ bản vào năm 2021 so với năm 2020.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, HoSE: STB) cũng thông báo cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản, nhưng áp dụng một cách có chọn lọc hơn.
Theo VCSC, một đại diện của Sacombank giải thích rằng việc cắt giảm lãi suất không phải trên diện rộng mà chỉ được cấp cho những khách hàng vay nộp đơn đăng ký, và sau đó được ngân hàng thẩm định.
Trong thời điểm hiện tại, đây là chương trình cắt giảm lãi suất quy mô nhỏ hơn so với ACB và Vietcombank. Theo VCSC, Sacombank dường như ưu tiên hoàn thành các kể hoạch đề ra tại ĐHCĐ.
Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) từ năm 2020 đến nay, Agribank đã dành hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19, đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hơn từ 2% - 2,5% so với lãi suất cho vay thông thường với quy mô hơn 300.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng lớn, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp FDI.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Agribank chủ động giảm tiếp lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức vay vốn bằng VNĐ tại Agribank.
Cụ thể, đối với khoản vay tại thời điểm 15/07/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (Không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi). Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Bên cạnh đó, Agribank cũng đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại nợ gốc và lãi; Miễn phí chuyển tiền trong nước và ủng hộ hơn 130 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19;.…
Tương tự, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) đã chủ động xây dựng các chương trình, các gói miễn giảm lãi suất cho khách hàng trong 6 tháng cuối năm. Tổng số dư nợ hỗ trợ khách hàng lần này được TPBank ước tính gần 45 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, nhà băng này sẽ giảm từ 0,5% - 1,2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%.
TPBank cho biết, lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn và trung dài hạn của nhà băng này đã giảm khoảng gần 3% so với năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, TPBank đã chú trọng đẩy mạnh các chương trình này với lãi suất ở mức thấp, chỉ từ 6% -7,5%/ năm. Tổng số dư nợ của các gói ưu đãi đến 30/06/2021 là 13.415 tỷ đồng và số tiền giảm lãi suất so với quy định là 108 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, TPBank đã miễn, giảm và hạ lãi suất cho xấp xỉ 43.000 khách hàng, với tổng số dư nợ đã hỗ trợ là 52.900 tỷ đồng, số lãi miễn giảm là 678 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) đặt mục tiêu sử dụng lãi suất cắt giảm trong nửa cuối năm 2021 như một công cụ cạnh tranh để thu hút nhiều khách hàng hơn.
Cụ thể, ACB sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. ACB sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho KHCN và KHDN có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/07 – 15/10/2021.
Cùng với chính sách xem xét giảm lãi suất cho vay, ACB còn đồng thời triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho KHDN và 7%/năm cho KHCN từ nay đến 31/10/2021.
Về tình hình kinh doanh của ACB, theo VCSC, nhà băng này đã ghi nhận NIM tăng 50 điểm cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 4,0% so với năm 2020 và ACB có kế hoạch sẽ giảm mức tăng này trong nửa cuối năm 2021 (mức cắt giảm lãi suất tối đa sẽ lần lượt là 80 điểm cơ bản và 100 điểm cơ bản đối với các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, chỉ áp dụng cho các khoản cho vay có tài sản bảo đảm và khách hàng có nợ Nhóm 1, áp dụng từ ngày 15/07 đến ngày 15/10) để ghi nhận mức NIM gần như đi ngang trong năm 2021 so với năm 2020.
Ngoài ra, một yếu tố hỗ trợ cho việc cắt giảm lãi suất là tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng (ACB đang có mức tăng tiền gửi với tốc độ chậm hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng).