Phương pháp mới đi từ trừu tượng đến cụ thể
Lý giải về cách đánh vần "lạ" khiến phụ huynh, giáo viên hoang mang, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan – Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CNGD) NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD cho biết mục tiêu của bộ môn là học sinh phải đọc thông, viết thạo; nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, nắm vững luật chính tả, từ đó, học sinh không thể tái mù.
Lý giải về cách đánh vần "lạ" khiến phụ huynh, giáo viên hoang mang, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan – Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CNGD) NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD cho biết mục tiêu của bộ môn là học sinh phải đọc thông, viết thạo; nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, nắm vững luật chính tả, từ đó, học sinh không thể tái mù.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan – Trung tâm Công nghệ Giáo dục NXB Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hà |
Học sinh được học luật chính tả rất kĩ, theo nguyên tắc gặp ở đâu sẽ giải quyết ở đó. Nhờ đó, học sinh sẽ nắm luật rất kĩ và không bị viết sai chính tả.
Trong CNGD, khi học học sinh sẽ phải học thông qua các khái niệm khoa học. Với môn Tiếng Việt CNGD, học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành mà công nghệ giáo dục quan điểm đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể. Từ khái niệm khoa học, học sinh sẽ phân tích những khái niệm đó và dần dần sẽ hiểu được cụ thể.
Bài đầu tiên được học trong sách CNGD là Tiếng. Khi phát âm chưa biết được Tiếng đó có thành phần như thế nào nhưng từ phân tích Tiếng học sinh sẽ biết Tiếng đó phần đầu như thế nào, phần vần như thế nào, phần vần gồm những âm nào, có thanh điệu nào.
Học sinh học CNGD được học luật chính tả rất kỹ, gặp luật chính tả ở đâu các em sẽ được giới thiệu và học. Nhờ đó học sinh sẽ không viết sai, ví dụ học sinh sẽ phân biệt khi nào viết c, k, q; khi nào viết l, n và do đó giáo viên khi dạy phải chuẩn phát âm mới dạy cho học sinh.
Về nguyên tắc đánh vần trong CNGD là đánh vần theo âm, không phải đánh vần theo chữ.
Một số cách đánh vần theo sách công nghệ giáo dục. |
Lấy dẫn chứng cụ thể, bà Loan chỉ rõ: Với từ "ke" trong CNGD sẽ đánh vần theo âm nên tiếng “ke” đánh vần là /cờ/-/e/-/ke/. Khi học cách phát âm này, học sinh sẽ được học luôn luật chính tả là âm “cờ” đứng trước âm “e” sẽ được ghi bằng chữ “k”.
Với phần nguyên âm đôi, tiếng Việt có 3 nguyên âm đôi là “iê”, “uô” và “ươ”. Trong đó, âm /ia/ có 4 cách viết “iê”, “ia”, “yê”, “ya”; âm /uô/ có 2 cách viết “uô” và “ua”; âm /ươ/ có 2 cách viết “ươ” và “ưa”. Ví dụ tiếng “yêu” được đánh vần là /ia/-/u/-/yêu/, vần “uôi” được đánh vần là /uô/-/i/-uôi/. Đây là cách đánh vần theo âm thay vì theo chữ ghi lại như trước kia là /y/-/ê/-/u/-/yêu/ hay /u/-/ô/-/i/-/uôi/.
Còn nhiều khó khăn
Nói về những khó khăn khi triển khai bộ sách CNGD, bà Loan cho biết nhiều sinh viên sư phạm trong quá trình học không hề biết đến bộ sách CNGD, nhưng khi ra trường phải dạy theo bộ sách CNGD thì rất khó khăn. “Ở các trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương đã bắt đầu đưa chương trình CNGD vào giới thiệu và hướng dẫn giáo viên.
Bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục. Ảnh: Nguyễn Hà |
Đối với phụ huynh cũng rất nhiều người chưa tiếp cận được với chương trình này, chủ yếu là tiếp cận sách giáo khoa mà con mình mang về. Ở các địa phương, việc truyền đạt lại cho phụ huynh chủ yếu thông qua nhà trường, giáo viên. Bản thân trung tâm công nghệ giáo dục không có cơ hội nhiều để tiếp xúc với phụ huynh.
"Đối với CNGD, việc truyền thông chưa được nhiều, rộng rãi nên có khá nhiều phụ huynh đặc biệt là phụ huynh ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn việc tiếp cận chưa được nhiều, trung tâm đang có những kế hoạch liên quan đến truyền thông giúp phụ huynh, cộng đồng hiểu hơn về bộ sách" - bà Loan cho biết.