Họ Khúc đem lại an vui cho dân
Cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X, sau khi đứng lên nắm quyền tự chủ dân tộc, họ Khúc đã tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng để thay thế cơ cấu hành chính do phương Bắc áp đặt bằng cơ chế mới của người Việt.
Cụ thể, phương thức cai trị "nắm từ trên xuống”, từ tiết độ sứ đến quân lệnh, chia Giao Châu thành các cấp quận, huyện, hương… được thay thế bằng phương thức "nắm từ dưới lên", nắm từ cơ sở là cấp xã với các chức "chánh lệnh trưởng” và “tá lệnh trưởng” (quan xã), đến cấp giáp gồm 10 xã.
Chính quyền mới còn định ra hộ tịch, lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán quản lý cư dân, điều mà nhà Đường không thể nào làm được khi chiếm đóng nước Việt.
Về kinh tế, họ Khúc cho thực hiện chính sách "Bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch”, phân phối ruộng đất theo chế độ công xã (công hữu toàn bộ ruộng đất và chia cho nông dân), đánh thuế một cách bình quân theo ruộng đất, bỏ hẳn thuế đinh. Người thu thuế không phải quan xã mà là phó tri giáp, qua đó khắc phục được sự phiền hà sách nhiễu của quan địa phương cũng như nạn thu thuế nhiều tầng và tránh thất thu ngân sách cho chính quyền.
Các cải cách văn hóa, xã hội được cô đọng trong 4 chữ "khoan, giản, an, lạc”. Khoan là khoan sức cho dân. Giản là quản lý giản dị, gần dân. An là đem lại bình yên cho cuộc sống. Lạc là toàn dân được yên vui. Chính sách này được thực hiện bằng các hành động cụ thể, ví dụ như loại bỏ các hình thức lao dịch (bắt dân đi mò trai lấy ngọc, săn voi lấy ngà…).
Nhìn chung, cuộc cải cách của họ Khúc đã đem lại sự ổn định cho đất nước trong nhiều thập niên, tạo tiền đề quan trọng cho các bước phát triển của đất nước sau này.
Trần Thủ Độ vực dậy nước Đại Việt khủng hoảng
Sau khi tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực vương triều từ Lý sang Trần một cách êm thấm, thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264) đã tiến hành các cải cách lớn về kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm đưa đất nước vươn lên từ tình trạng khủng hoảng toàn diện cuối thời Lý.
Biện pháp cải cách kinh tế quan trọng nhất của Trần Thủ Độ là chuyển dần công hữu ruộng đất thành tư hữu, cho bán ruộng công để dân mua, qua đó đẩy mạnh sản xuất, kinh tế hàng hóa - tiền tệ.
Ngoài ra, nhiều biện pháp kinh tế khác cũng được tiến hành như cho đắp đê ngăn lũ, ngăn mặn, khai kênh tưới, tiêu, chú trọng trồng cây ăn quả, cây phòng hộ bên cạnh trồng lúa, quy hoạch 61 phường buôn bán, sản xuất ở Thăng Long, không đánh thuế thân mà chỉ đánh thuế đinh theo sở hữu ruộng đất...
Về văn hóa – xã hội, nền pháp trị chịu ảnh hưởng Khổng giáo ngày càng được coi trọng dù Phật giáo vẫn là quốc giáo. Tư tưởng pháp trị biểu hiện qua việc soạn thảo luật pháp thành văn là bộ Quốc triều thống chế. Hình luật, lễ nghi được sửa đổi với các quy đinh chặt chẽ về y phục, trang sức, biểu diễn nghệ thuật…
“Tam giáo đồng nguyên”, một tư tưởng tiến bộ về tôn giáo cũng được ủng hộ. Việc học hành, khoa cử được đổi mới, tăng thêm các học vị trong khoa bảng, đặt ra lệ chọn tam khôi là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.
Nhìn chung, cuộc cải cách do Trần Thủ Độ tiến hành đã đem lại những thành quả tích cực, khiến cuộc sống của nhân dân no ấm.
Hồ Quý Ly và cuộc cải cách “thành công nửa vời”
Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực từ nhà Trần sang nhà Hồ, Hồ Quý Ly (1336–1407) đã tiến hành những cải cách “chưa từng có” nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng toàn diện của đất nước thời bấy giờ.
Một trong các cải cách quan trọng nhất của Hồ Quý Ly là đưa ra biện pháp “Hạn điền", nhằm hạn chế chiếm hữu lớn về đất đai của quý tộc phong kiến, quy định số ruộng thừa phải hiến cho nhà nước. Dù đánh vào nền tảng kinh tế và chính trị của giới phong kiến quý tộc nhưng cải cách này chỉ mang tính nửa vời vì số đất lấy ra không được cấp lại cho dân mà lại đem sung công, biến thành “ruộng triều đình”.
Bên cạnh biện pháp hạn điền là “hạn nô”, nhằm giới hạn số lượng gia nô mà giới phong kiến quý tộc được sở hữu, bắt buộc dâng số gia nô thừa cho chế độ. Đây cũng là một cải cách nửa vời, vì số gia nô dư thừa không được sử dụng để tăng sức sản xuất xã hội mà lại được dùng đễ sung công, sung quân dịch nhằm cũng cố triều đình.