Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp giáp Tết âm lịch các dịch vụ trao đổi tiền lẻ, tiền đô la lại diễn ra một cách rầm rộ. Đây là một loại hình dịch vụ xuất hiện từ rất lâu ngay trước các cổng đền, chùa đường phố ở Hà Nội như: Phủ Tây Hồ, Chùa Hà, đường Đinh Lễ…
Clip: Công khai đổi tiền lẻ giá cao trước thềm Tết Giáp Ngọ.
Trong vai khách hàng, phóng viên Kiến thức tiếp cận với một chủ quầy đổi tiền lẻ ở Phủ Tây Hồ, Hà Nội thấy: Tỉ lệ trao đổi tiền lẻ chênh lệch giữa các tờ tiền mệnh giá từ 5.000 – 10.000 đồng là “10 ăn 8”, tức với tiền mệnh giá 100.000 đồng, khách hàng chỉ có thể mua được 8 tờ 10.000 đồng hoặc 5.000 đồng. Còn lại các tờ tiền mệnh giá nhỏ hơn như 500 đồng, 2.000 đồng thì tỉ lệ là 7/10.
Thậm chí các chủ đổi tiền này cũng cung cấp cả tờ tiền 10.000 đồng màu đỏ (cũ) và đổi cho khách với giá 20.000 đồng/tờ.
Nhiều tiền lẻ với các mệnh giá khác nhau được đem ra trao đổi tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội). |
Không chỉ có những tờ tiền lẻ Việt Nam với các mệnh giá khác nhau mà tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) những tờ đô la Mỹ (mệnh giá 2 USD) cũng đang được công khai trao đổi nhộn nhịp. Tuy nhiên, người mua lại chú trọng hơn tới số seri của mỗi tờ tiền, họ thường “lùng sục” các tờ tiền có đuôi tứ quý hoặc số theo ý muốn…
Hoạt động trao đổi tiền lẻ trước cổng Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhộn nhịp không thua kém. |
Cũng tương tự, phóng viên Kiến Thức tới khảo sát tại các kiốt bán hoa quả, vàng lễ trước cổng Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy, hoạt động kinh doanh tiền lẻ cũng nhộn nhịp không kém. Nhưng mức chi phí chênh lệch khác xa so với Phủ Tây Hồ. Ở đây, dịch vụ đổi tiền lại rẻ hơn, người mua có thể “đổi 10 lấy 9” với mệnh giá tiền 10.000 đồng và “đổi 10 lấy 8” với mệnh giá 500 đồng và 2.000 đồng.
Mặc dù, việc đổi tiền với mức giá chênh lệch cao như thế này là một hoạt động bị nghiêm cấm, nhưng tại các gian hàng trước cổng Chùa Hà, Phủ Tây Hồ, Chùa Phúc Khánh… những tấm biển “Đổi Tiền Lẻ” vẫn được dựng lên công khai, không hề bị lực lượng chức năng nào giám sát hay bãi bỏ.
Mới đây, sau khi bị truyền thông đưa tin và các cơ quan chức năng để ý kỹ hơn, hoạt động đổi tiền “chui” ở khu vực Đinh Lễ, Tràng Tiền đã có phần im ắng hơn trước. Những chủ tiền lẻ ở đây thường ngồi ở các quán nước hoặc lấp ló sau những hiệu sách để quan sát, tìm kiếm “khách hàng tiềm năng”. Chỉ cần tìm được mối mua là cuộc giao dịch được tiến hành.
Nhiều website công khai trao đổi tiền Mông Cổ trên mạng. |
Một điều đặc biệt của Tết Giáp Ngọ này chính là sự xuất hiện của tờ tiền Mông Cổ, có biểu tượng hình con ngựa. Loại tiền này chưa được bán công khai trên đường phố nhưng trên mạng Internet, nó đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người. Trên những website như: “Dichvudoitien…” hay “Doitienle…” mỗi tờ tiền Mông Cổ có bao lì xì gói ngoài sang trọng được giao bán từ 20.000 - 50.000 đồng.
Đắt đỏ hơn cả là tiền USD mạ vàng. Loại tiền này được rao bán trên mạng với mức giá tối thiểu là 350.000 đồng/tờ cho tới vài triệu đồng tùy theo mệnh giá.