Tư Mã Ý là đối thủ xứng tầm nhất của Gia Cát Lượng. |
Sau khi Lưu Bị qua đời, Nhà Thục Hán rơi vào cuộc chiến dai dẳng với Tào Ngụy. Nổi bật nhất chính là những lần đấu trí giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý, nhà chính trị, quân sư kiệt xuất phục vụ cho nhà Ngụy.
6 lần Khổng Minh dẫn quân Bắc phạt (Lục xuất Kỳ Sơn) đã diễn ra những trận đánh ác liệt, những thăng trầm nhiều hơn tất cả những lần đối đầu trước đó giữa ba nước Ngụy, Thục, Ngô.
Trang mạng Qulishi (Trung Quốc) đặt câu hỏi, Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý, ai mới thực sự là nhà quân sư tài ba nhất thời Tam quốc?
Sự nghiệp khác biệt
Ở tuổi 27, Gia Cát Lượng được Lưu Bị “tam cố thảo lư”, mời xuống núi giúp khôi phục nhà Hán. Gia Cát Lượng là nhân tố quan trọng, giúp Lưu Bị chiến thắng Tào Tháo trong trận đại chiến Xích Bích, đặt nền móng hình thành nhà Thục Hán.
Trong khi đó, vai trò của Tư Mã Ý thời Tào Tháo không thực sự rõ ràng. Một phần vì ông miễn cưỡng phò tá Tào Tháo, một phần vì Tư Mã Ý là người thận trọng, luôn tránh gây sự chú ý không cần thiết.
Tư Mã Ý được Gia Cát Lượng chú ý kể từ khi ông nổi lên khi Tào Phi nắm quyền. Ngay từ khi được nghe tin về Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng đã nói rằng, đây là một người không dễ dàng đối phó.
Lần đầu tiên hai quân sư Thục Hán và Tào Ngụy đối đầu trực tiếp là vào năm 231, khi Gia Cát Lượng mở chiến dịch Bắc phạt lần thứ 4. Vua Ngụy là Tào Duệ đích thân đến Trường An chỉ huy chiến đấu, ra lệnh cho Tư Mã Ý thống soái các tướng lĩnh tiên phong.
Tư Mã Ý nhận ra tình hình chiến trường và sức mạnh của quân Thục, đi đến kết luận rằng lương thảo của quân Thục hết sức hạn chế, không thể đánh lâu dài.
Biết tin Tư Mã Ý là người chỉ huy lực lượng Tào Ngụy, Gia Cát Lượng chỉ để lại một cánh quân vây khốn Kỳ Sơn còn mình đích thân nắm quân chủ lực nghênh chiến Tư Mã Ý.
Nhưng Tư Mã Ý biết tình hình không thuận lợi nên gia cố phòng thủ, nhất quyết không ra đánh. Sau này, bị các tướng lĩnh chế nhạo là người nhút nhát, Tư Mã Ý mới miễn cưỡng ra lệnh tấn công quân Thục ở Kỳ Sơn để rồi nhanh chóng thu quân, cố thủ không đánh.
Suốt một tháng trời như vậy, tình hình lương thảo cạn kiệt buộc Gia Cát Lượng phải rút quân. Nhận định về trận chiến này, các học giả Trung Quốc đồng ý rằng, Tư Mã Ý đạt được mục đích chiến lược trong khi Gia Cát Lượng giành được chiến thắng nhỏ nhưng không thể giải quyết được vấn đề lương thảo và phải rút quân.
Trong giai đoạn sau, cục diện cuộc chiến giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý không có nhiều thay đổi. Tư Mã Ý dù thua nhiều nhưng đó chỉ là những trận thua nhỏ và không ảnh hưởng đến sức mạnh của quân Ngụy.
Đối thủ xứng tầm nhất của Gia Cát Lượng
Trong lần đối đầu thứ hai vào tháng 4.234, Tư Mã Ý tiếp tục dùng chiến thuật lấy “tĩnh chế động”, không đánh khi kẻ địch đang có lợi thế. Tư Mã Ý hiểu rằng quân Thục từ xa đến mệt mỏi, vận chuyển lương thực khó khăn nên quyết cố thủ, không ra đánh.
Gia Cát Lượng hiểu rằng, muốn chiến thắng thì phải giết được Tư Mã Ý đầu tiên. Do dó, Khổng Minh nghĩ ra kế, dùng khăn, yếm và đồ trắng của đàn bà gửi đến trại Ngụy cùng một phong thư.
“Trọng Đạt (Tư Mã Ý) làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung Nguyên, không dám mặc giáp cầm gươm, để quyết sống mái mà chịu ngồi núp ở trong tối trong hang, để lánh lưỡi đao mũi tên, thế thì khác gì đàn bà? Nay sai người đưa khăn yếm quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không dám ra đánh, thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy; nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai, thì phải phê vào giấy này, y hẹn ra giao chiến“.
Tư Mã Ý xem xong, trong bụng đầy căm giận, nhưng cũng gượng cười nói rằng: “Khổng Minh coi ta như đàn bà”. Nhưng rồi, Tư Mã Ý nhận ra đây chính là kế khích tướng, chấp nhận nhịn nhục.
Mặc cho các viên tướng Ngụy tức giận tím mặt, Tư Mã Ý vẫn bình thản trọng đãi sứ thần của quân Thục, tranh thủ dò hỏi, thăm dò tin tức về Gia Cát Lượng.
Khi biết rằng Khổng Minh đang lo nghĩ về chuyện thiếu lương thực, Tư Mã Ý đoán Gia Cát Lượng chẳng còn sống được bao lâu nữa, quyết tâm, không ra đánh. Ông còn dùng đòn tâm lý, qua sứ giả gửi đến Gia Cát Lượng: “Ngày ông chết không còn xa nữa đâu, tôi sẽ chờ cho tới tận lúc đó, ông có hiểu không hả Lượng?”
Sứ giả trở về và thuật lại mọi việc. Khổng Minh nghe thấy mà than: “Ý thực là biết ta”. Các học giả Trung Quốc cho rằng, Gia Cát Lượng và Tư Mã ý giống như một cặp đôi tri kỷ, rất hiểu ý nhau, qua nhiều lần đối trận, càng đánh càng minh chứng rõ.
Về phần mình, Tư Mã Ý biết các tướng lĩnh không phục, nên nghĩ ra kế: “Ta có phải muốn chịu nhục đâu, bởi vì thiên tử giáng chiếu, sai giữ vững không cho ra đánh, nếu ta khinh động, thì trái quân mệnh.Các ngươi nếu muốn đánh, đợi ta tâu với thiên tử, rồi sẽ đồng lực ra đánh giặc”.
Vua Ngụy cảm thấy ngạc nhiên nhưng được các quân sư góp ý, liền hiểu ra rằng đây chỉ là cách để Tư Mã Ý lấy lòng quân sĩ, ra lệnh cho toàn quân không được ra đánh.
Tư Mã Ý vui vẻ mặc áo Gia Cát Lượng tặng dù trong lòng hết sức căm giận. Ảnh trong phim. |
Các tướng Thục nghe tin ấy, vào bẩm với Khổng Minh. Gia Cát Lượng cười và nói: “Ý vốn không dám đánh, xin đánh là thị oai với chúng đó thôi”.
Đây là kế “mượn gió để bẻ măng”, không trực tiếp ra tay mà mượn tay người khác để trấn an binh sĩ, từ đó vẫn vừa được lòng quân, mà lại giữ cho chiến tuyến tiếp tục ổn định để chờ thời thế thay đổi.
Một số học giả Trung Quốc sau này phân tích, cuộc đối đầu giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý luôn bất phân thắng bại. Nếu Tư Mã Ý có thất bại thì chỉ là để đổi đấy thời gian, cho đến khi Gia Cát Lượng vì mệt nhọc mà sinh bệnh rồi qua đời.
Theo bài phân tích trên trang mang Lishiquwen (Trung Quốc), Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý ai tài giỏi hơn là điều mà nhiều người vẫn còn tranh cãi đến ngày nay. Bên nào cũng có lý do để củng cố quan điểm của mình.
Xét trong lịch sử Tam quốc, Gia Cát Lượng chỉ có một kẻ thù - là nhà Ngụy, một mục tiêu là các cuộc Bắc phạt vốn buộc phải sử dụng vũ lực. Trong khi đó, Tư Mã Ý vừa phải đối đầu với quân Thục, vừa phải giải quyết vấn đề chính trị bên trong nội bộ Tào Ngụy. Đó là lý do Tư Mã Ý phải hành động hết sức thận trọng.
Nhưng nhìn chung, dù năng lực chính trị hay quân sự của Tư Mã Ý có nổi bật hay không, ông vẫn là đối thủ lớn nhất trong đời Gia Cát Lượng.
>>> Mời quý độc giả xem video về đặc sản chuối tiến vua (nguồn VTC):