Đổi mới sáng tạo là nguồn tạo ra tri thức để cải thiện các quy trình và cấu trúc kinh doanh nội bộ, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ theo định hướng thị trường mang lại kết quả kinh doanh mới cho doanh nghiệp, làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế đất nước.
Những năm qua, hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói riêng đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt.
Đổi mới sáng tạo trong kinh doanh được coi là chiến lược khác biệt hóa quan trọng giúp doanh nghiệp có được ưu thế. (Ảnh minh họa). |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ với báo chí rằng, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết từng chia sẻ với báo chí, nhờ áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Công ty giữ được vị thế tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh thu giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ 15% đến18%, lợi nhuận tăng khoảng 17%.
Các chuyên gia đánh giá, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn nhiều hạn chế, cho nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.
Theo chuyên gia, không phải sự thay đổi nào cũng được coi là một đổi mới sáng tạo mà cần phải thỏa mãn 2 đặc tính. Thứ nhất là có tính mới, mới so với thị trường, thế giới, so với doanh nghiệp; Thứ hai là có tính thực tiễn (đưa sản phẩm ra thị trường, hoặc áp dụng quy trình mới trong sản xuất).
Dù vậy, ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam cho biết, đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, như: Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.
Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.
Thời gian tới, để hoạt động này hiệu quả hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý về đổi mới sáng tạo.