Căn nhà trọ nằm cuối đường Hoàng Hưng (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) - nơi hoàng tôn Nguyễn Phúc Bảo Tài (52 tuổi) cùng vợ và con gái thuê trọ - chỉ rộng hơn 15m2 và chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài những đồ dùng sinh hoạt, ăn uống hằng ngày.
Gia thế hoàng tộc
Đôi mắt đượm buồn, hoàng tôn Bảo Tài kể, ông là con trai út của hoàng tử Vĩnh Giu (em ruột vua Duy Tân) và là cháu nội của cựu hoàng Thành Thái (tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, vua thứ 10 triều Nguyễn, trị vì từ năm 1889 đến 1907).
Là cháu nội của vua Thành Thái nhưng hiện nay hoàng tôn Bảo Tài sống trong cảnh khốn khó, ở nhà trọ, nuôi con gái bệnh tật. |
Khi còn tại vị, vua Thành Thái không chịu khuất phục nên bị chính quyền đô hộ Pháp phế truất ngôi vua, đày cựu hoàng và cả gia đình sang đảo Reunion trên Ấn Độ Dương. Sau hơn 30 năm bị lưu đày, vua và gia đình trở về cố hương nhưng gia đình rơi vào cảnh ly tán khắp nơi.
Hoàng tử Vĩnh Giu (người con thứ 19 của vua Thành Thái và thứ phi Chí Lạc) bị người Pháp đưa về Cần Thơ làm trong ngành cầu đường. Đến năm 1951, hoàng tử Vĩnh Giu kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa, sinh được 7 người con, trong đó, hoàng tôn Bảo Tài là con út.
“Gia đình khốn khó lại đông anh em nên ngay từ nhỏ, chúng tôi đã tự lập để phụ giúp bố mẹ. Ai thuê gì cũng làm, từ khuân vác đến phụ hồ, miễn có tiền và không trái đạo lý là được. Sau năm 1975, cha tôi chuyển sang nghề sửa xe đạp, mấy anh em cũng lao vào cuộc mưu sinh nên chẳng ai được học hành đến nơi đến chốn. Tuy phải chạy ăn từng bữa nhưng cha tôi dạy con rất nghiêm khắc, không vì đói khổ mà làm điều trái đạo lý và ảnh hưởng đến truyền thống gia đình”, ông Bảo Tài cho biết.
Cuộc sống cứ thế trôi qua. Cho đến năm 2005, một vị khách đặc biệt bất ngờ xuất hiện ở gia đình hoàng tử Vĩnh Giu. Ai cũng bất ngờ trước vị khách đó: Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.
“Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, cố thủ tướng can thiệp với chính quyền địa phương hỗ trợ tặng gia đình căn nhà tình nghĩa, riêng tôi được tặng xe máy để làm phương tiện chạy xe ôm mưu sinh nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Hai năm sau đó, cha tôi qua đời và được đưa về Huế an táng ở lăng gia tộc”, ông Tài kể.
Hoàng tôn Bảo Tài cho biết, cũng vì cuộc sống khốn khó nên đến năm 40 tuổi ông mới lấy vợ. Không lâu sau đó, vợ chồng ông sinh được người con gái và đặt tên là Nguyễn Phước Thanh Tuyền. Tuy nhiên, số phận bất hạnh đến với Thanh Tuyền khi vừa sinh ra đã bị chứng bại não. Hai vợ chồng ông Bảo Tài dưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình con gái vẫn không thuyên giảm.
Mong con gái có thể tự đi lại được
“Những gì đã qua, tôi tâm niệm cho nó vào dĩ vãng, giữ lại sự tự hào của gia đình chứ không hối tiếc điều gì. Giờ tôi chỉ mong sao con gái duy nhất của mình hết bệnh là mừng rồi”, hoàng tôn Bảo Tài tâm sự.
Theo ông Bảo Tài, sau nhiều năm chạy chữa, các bác sĩ cho biết con gái ông bị liệt tứ chi không thể cử động được, tuy vậy tinh thần Thanh Tuyền rất minh mẫn. Ngồi kế bên cha, Thanh Tuyền với gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt đen nhánh đang ú ớ đòi nước uống.
Nhìn con gái, ông Bảo Tài nói: “Vợ chồng tôi từ Cần Thơ đưa cháu lên đây chạy chữa cũng gần 1 năm rồi. Hằng ngày, cháu được các thầy thuốc ở phòng mạch gần nhà trọ bấm huyệt. Giờ bệnh tình của con gái tôi cũng đỡ rồi, trước đây chỉ nằm trên giường nhưng giờ có thể tự ngồi được... Tuy nhiên, số tiền dành dụm ít ỏi ở quê đã tiêu tan sau thời gian lên Sài Gòn thuê trọ, trị bệnh cho con gái. Cũng may nhờ có chủ nhà trọ thương tình cho chúng tôi nợ tiền”, hoàng tôn Bảo Tài ngậm ngùi nói.
Hằng ngày, ông Bảo Tài đi làm phụ hồ, tiền công được 200.000 đồng. Vợ ông làm công việc tưới nước, dọn vệ sinh cho một trụ sở ủy ban gần nhà trọ. Hai vợ chồng tự phân công thời gian với nhau để chăm sóc và đưa con gái đi bấm huyệt. Vị hoàng tôn út của Triều Nguyễn chia sẻ, tâm nguyện cuối đời của ông là con gái được hết bệnh để tự chăm sóc và vợ chồng ông để dành một số tiền trở về cố đô Huế viếng lăng mộ gia tộc cùng những người thân trong dòng họ sau 10 năm biền biệt.
Mời quý độc giả xem video Chiêm ngưỡng áo long bào của vua Bảo Đại được phục chế tiền tỷ (Nguồn NLĐ):