Nguồn gốc của món "Ăn năn"
"Ăn năn" là món ăn nổi tiếng ở vùng sông nước Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Năn là loài cỏ dại mọc trong các đồng đất hoặc mương liếp. Năn thường có hai loại là năn kim (cỏ năn) và năn bộp (có nơi gọi trại là bụp). Loại năn là đặc sản nổi tiếng hiện tại là năn bộp.
Từ một loài cỏ dại, nay năn bộp trở thành loại rau “hái ra tiền” của người miền Tây. Một số xã thuộc huyện Hồng Dân và Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, bà con còn trồng năn bộp với diện tích lớn, thu hoạch quanh năm và bán khắp mọi miền đất nước.
Năn bộp vừa lột. |
Ðể ăn năn bộp, người ta nhổ những cọng ngon rồi cắt lấy từ dưới gốc lên khoảng 25 cm. Sau đó, người ta dùng một cây tăm hay cây nhọn chuyên dùng, rọc một đường từ đầu đến cuối cọng năn (do năn có hình trụ rỗng tương tụ như sậy, tre) để lột lớp vỏ ngoài, còn lại lõi trắng nõn bên trong.
"Ăn năn" và cách ăn theo phong cách miền Tây
Những đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ để làm rau ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa…
Ăn sống là lựa chọn đầu tiên của người miền Tây. Người ta thường ăn năn sống chấm với mắm kho, mắm chưng, hay đơn giản là chấm món kho, như một loại rau ăn liền.
Một món dân dã cũng dễ làm, mau ăn, là năn xào với tép trấu hay tôm. Vị ngọt từ tôm, tép hòa lẫn vào vị ngọt thanh của năn làm nên một món ăn đặc biệt. Lưu ý, khi xào món này, không nên nêm quá nhiều đường, bột ngọt.
Ăn năn theo một cách rất riêng của người miền Tây nữa là làm “bổi” cho nhân bánh xèo. Ai đã từng ăn bánh xèo loại này rồi mới cảm khái hết tinh hoa sông nước gói gọn trong chiếc bánh vàng ươm, trắng trong như năn bộp.
Một kiểu ăn nữa là năn bộp làm dưa chua, gọi nôm na là “bóp giấm”. Kiểu ăn này cũng rất dễ làm, ăn ít ngán và bắt cơm.
Trong những năm kháng chiến, những cán bộ cách mạng hoạt động sâu trong bưng biền đã chế thêm những món ăn mới từ năn. Cuối cùng, giới sành ăn miền này đã nâng cấp thành món ăn thời thượng.