Theo mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên, công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán trong hoàng cung triều Nguyễn kéo dài cả tháng và bắt đầu từ rất sớm.
Vào ngày đầu năm mới, các vua chúa nhà Nguyễn tổ chức các hoạt động khác nhau. Trong đó, Vua Gia Long sẽ đến Thái Miếu đầu tiên và kính cẩn làm lễ đầu xuân. Sau đó, nhà vua đến điện Thái Hòa làm lễ Khánh hạ, cùng các quan văn quan võ, ban yến tiệc và tiền thưởng xuân. Đến thời vua Tự Đức, ông mang biểu văn đến chầu cung hoàng mẫu đầu tiên, kính dâng 100 lạng vàng, 1.000 lạng bạc và lời chúc mừng nhân dịp đầu xuân đến Hoàng mẫu rồi mới về ngự ở điện Văn Minh cùng hoàng thân và văn võ đại thần, ban nước chè, ngồi đàm thoại.
Đến ngày mùng 2 Tết, các vua nhà Nguyễn thường tiếp tục ban thưởng yến tiệc và tiền, vàng cho các quan văn võ. Dưới thời vua Kiến Phúc, do ngày mồng 2 Tết vì trùng với sinh nhật nên vua mặc áo cát phục ngự điện Văn Minh trong khi hoàng thân, vương công, các quan văn võ đều mặc áo thịnh phục và tổ chức như ngày mồng 1 tết để mừng sinh nhật nhà vua.
Sang ngày mùng 3 Tết, các vua triều Nguyễn sẽ hạ lệnh làm lễ hóa vàng cầu âm phúc. Các loại hương trầm, bạch đàn, các loại giấy vàng, giấy bạc được bỏ vào lư đồng đốt để thấu đến thần linh.
Tới ngày mùng 7 Tết, ngày cuối cùng của dịp nghỉ Tết, triều đình cũng như toàn kinh thành sẽ tổ chức lễ hạ cây nêu, kết thúc nghỉ Tết. Cũng vào ngày này, các viên quan giữ ấn tín làm lễ khai ấn, mở các hòm ấn, tượng trưng cho năm làm việc mới bắt đầu.
Trong dịp Tết, vua chúa triều Nguyễn, thân vương và văn võ bá quan tiêu khiển với một số trò chơi mang tính giải trí cao và đề cao việc học hành. Trong các trò chơi chốn cung đình triều Nguyễn xưa, trò đổ xăm hường khá phổ biến. Một bộ xăm hường gồm 6 hạt xúc xắc cùng một bộ thẻ 6 loại. Các loại thẻ được gọi tên theo thứ tự là Nhất hường, Nhị hường, Tứ tự (hay còn gọi là Tứ tấn), Tam hường, Trạng em (Bảng nhãn, Thám hoa), Trạng anh (Trạng nguyên). Theo luật chơi, khi gieo 6 hột xúc xắc, ra xăm hường nào thì nhận thẻ tương ứng. Gieo đến khi hết thẻ xăm thì trò chơi kết thúc.
Một trò chơi khác phổ biến trong ngày Tết là trò bài vụ. Trò chơi này có một chiếc vụ hình bát giác được dán hình 8 con vật. Người chơi sẽ được phát các thể để đặt cược theo con vật nào, khi quay vụ, mặt nào nổi trên hình đúng với mặt đặt cược thì thắng.
Tranh minh họa trò chơi Đầu hồ. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Huế. |
Đầu hồ là một trò chơi thường được tổ chức trong cung đình triều Nguyễn. Đây là trò chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào nước ta, được các vua triều Nguyễn ưu thích. Đầu trong tiếng Hán có nghĩa là “ném vào”. Hồ là “cái bầu”. Đầu hồ là trò chơi ném thẻ vào cái miệng hẹp của một cái bầu.
Bộ đồ chơi Đầu hồ gồm có 3 vật liệu chính: 12 chiếc thẻ tượng trưng cho 12 tháng trong năm, được vót từ một loại gỗ chắc nhưng rất dẻo, mỗi thẻ dài khoảng 68 cm, một đầu tiện tròn, một đầu phẳng.
Vật liệu thứ hai của trò chơi này là một miếng gỗ, mỗi bề rộng 20 cm, dày 4 cm. Vật liệu thứ ba gồm một cái bình hình quả bầu (hình tượng trưng cho sự giàu sang), không có đáy đặt trên một cái đế có căng mặt trống. Người chơi sẽ đứng cách cái bình khoảng 2,5 m, tay cầm chiếc thẻ ném xuống miếng gỗ trước mặt sao cho thẻ trúng miếng gỗ, búng lên không trung trước khi lộn đầu rơi tọt vào vào miệng bình.
Thẻ rơi trúng bình sẽ gõ vào trống nhỏ đặt dưới đế, phát ra tiếng “binh! binh!” báo hiệu thắng lợi. Tương truyền thời nhà Nguyễn, cứ sau những buổi yến tiệc trong dịp Tết, vua và các quan thường chơi trò này. Đây là trò chơi có độ khó cao. Người nào ném được nhiều thẻ vào bình sẽ trở thành người thắng cuộc. Kẻ thua phải dâng rượu cho người thắng.
Các vị vua triều Nguyễn rất thích văn thơ, đặc biệt là vua Tự Đức. Do vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, nhà vua thường chọn 4 quan văn cùng chơi Họa ngự thi.
Tới gần giao thừa, các quan được chọn Họa ngự thi phải đứng đợi trước nhà mình, bên cạnh hương án, trầm hương nghi ngút, với hai lính hầu hai bên.
Khi nghe có tiếng ngựa hí, lục lạc kêu của kỵ mã do vua phái tới, 4 quan văn nhanh chóng mặc áo mão để tiếp lệnh vua. Kỵ mã dâng tráp cho quan, trong đó có bài ngự thi (thơ của vua). Quan nhận thơ của vua xong phải ngay lập tức vào vẽ lại bằng giấy hoa tiên.
Sau đó, viên kỵ mã tiếp tục đi giao cho 3 quan còn lại. Giao thơ cho quan cuối cùng xong, kỵ mã quay lại nhận bài họa của quan đầu tiên và cứ thế cho tới khi nhận hết 4 bức của 4 quan.
Nhà vua sẽ đợi trong cung để nhận 4 bài thi của các quan văn và đích thân chấm điểm. Tới ngày đầu năm mới, nhà vua cho cận thần công bố bài phụng họa hay nhất của một trong 4 quan văn để ban thưởng trước sự có mặt của văn võ bá quan trong triều.
Mời độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa. Nguồn:VTV Travel - Du Lịch Cùng VTV.