Làng Trâu Lỗ thuộc xã Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) - là đất học nổi tiếng từ xa xưa. Tương truyền, tên làng Trâu Lỗ là lấy từ gốc tích quê hương của Khổng Tử và Mạnh Tử. Lấy nho học làm gốc rễ phát triển nên làng Trâu Lỗ cũng lắm nhân kiệt, để lại cho đời những giai thoại đầy ý nghĩa về sự học và về đạo làm người.
Làng Trâu Lỗ nằm dọc sông Cầu, vào thế kỷ 11 từng nằm trong chiến tuyến sông Như Nguyệt của nhà Lý trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược. Những trận đánh ác liệt của nhà Lý với quân Tống đã diễn ra tại đây nên còn lưu lại các địa danh: Bãi Xác, Cánh Đồng Xác, chùa Âm Hồn. Cũng có tích nói vì bị giặc Tống tàn phá, xóa sổ nên làng có tên là làng Sổ để ghi nhớ sự kiện bi thương.
Làng Trâu Lỗ cũng gắn liền với truyền kỳ sự tích nằm trên lưng con trâu. Chuyện kể rằng, đầu năm 1593, chúa Trịnh Tùng cùng văn võ bá quan rước vua Lê Thế Tông ra kinh thành Thăng Long sau khi đánh đuổi được thế lực nhà Mạc. Tháng 4 năm đó, vua Lê lên chính điện ban chiếu đại xá tù bình, giảm sưu thuế toàn quốc.
Triều đình cho nhân dân khắp nơi mở hội ăn mừng vì đã thoát khỏi cảnh binh đao, loạn lạc. Hưởng ứng không khí ấy, chiều tối ngày 11/9/1593, dân làng Kim Thượng, nay là xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) đem một con trâu trắng ra cửa đình làng để giết mổ làm lễ tế thần rồi chia thịt cho dân làng ăn liên hoan. Những trai tráng to khỏe được làng cắt cử đang chuẩn bị công việc giết mổ thì bất ngờ con trâu lồng lên làm đứt chạc rồi chạy vụt biến mất.
Cả làng nháo nhác đi tìm trâu nhưng do trời tối nên không thấy. Sáng sớm 12/9, dân làng Trâu Lỗ làm lễ tế thần ở khu đình đã rất ngạc nhiên khi thấy con trâu lạ lông màu trắng không biết từ đâu đến. Trâu nằm phục trên bãi cỏ trước cửa đình ven đê sông Cầu.
Cũng sáng hôm ấy, dân Kim Thượng sau khi hỏi thăm tin tức ở các vùng lân cận đã biết trâu trắng chạy theo bờ sông Cà Lồ, rồi bơi vượt sông Cầu sang đền Trâu Lỗ.
Người làng Kim Thượng tìm vào đền gặp các cụ cao niên xin chuộc trâu. Thấy vậy, các cụ bên Trâu Lỗ đã mời khách trà nước rồi nói: "Người là vàng, của là ngãi, không may trâu đứt chạc chạy sang đây, dân chúng tôi giữ giúp, nay xin trả lại chứ đâu dám lấy tiền chuộc của các anh".
Sau khi cảm ơn làng bạn, người Kim Thượng ra dắt trâu về. Nhưng không ngờ trâu trắng cứ nằm trơ trơ và ngóc đầu về phía đền Trâu Lỗ. Mấy thanh niên xúm lại mà không tài nào kéo được trâu đi. Như một điềm trời báo, người Kim Thượng cử người mang đồ sang đình Trâu Lỗ làm lễ tạ thánh thần. Khi lễ xong, quả nhiên dân Kim Thượng mới dắt được con trâu trắng về làng mình.
Sau sự kiện như một điềm lạ ấy, không chỉ dân làng Kim Thượng mà người Trâu Lỗ cũng rất coi trọng con trâu trắng. Dân ở cả 2 làng đã gọi trâu trắng là Ngưu tinh. Bởi Ngưu tinh có nghĩa là ngôi sao trên trời ứng vào con trâu trắng để tạo ra một sợi dân vô hình kết mối tình 2 làng Kim - Trâu sau này.
Đúng ngày 12/9 năm Giáp Ngọ (1594), dân làng đôi bên quyết định chọn đình Trâu Lỗ làm lễ kết nghĩa huynh đệ với lời thề thủy chung, son sắt: Tình huynh đệ, nghĩa thâm giao/ Dưới dày có đất, trên cao có trời/ Dẫu cho vật đổi sao dời/ Tử sinh vẫn giữ lấy lời tử sinh.
Trải qua hơn 4 thế kỷ, mối tình giao kết Kim - Trâu vẫn được duy trì ngày càng bền chặt bởi những việc làm nghĩa hiệp của người dân hai làng luôn cưu mang, giúp đỡ nhau trong lúc thiên tai, địch họa, hoặc giúp nhau làm ăn, tu sửa đình miếu, xây dựng làng xóm, duy trì củng cố những thuần phong mỹ tục. Mối quan hệ tâm giao Kim – Trâu là một biểu hiện khá đặc sắc và độc đáo trong truyền thống địa phương.
Truyền kỳ về Ngưu tinh và tục kết chạ giữa hai làng Kim - Trâu được nhiều người biết tới. Cũng có thuyết nói, tên làng là Trâu Lỗ đã có từ rất lâu trước khi xảy ra hiện tượng trâu trắng nằm phục cửa đình làng. Việc con trâu trắng làng khác chạy sang Trâu Lỗ còn liên quan đến thông điệp sâu sắc của người đặt tên cho làng Trâu Lỗ.
Vậy người đặt tên cho làng Trâu Lỗ là ai? Các nguồn sử liệu đều cho rằng, sau cuộc kháng Tống lần thứ nhất thắng lợi năm 981, làng mới tái lập lại và đặt tên là làng Sổ để ghi nhớ sự kiện bi thương.
Thời làm quan trong triều nhà Trần, Đoàn Xuân Lôi muốn làng mình giữ được truyền thống hiếu học, khoa bảng, truyền thống nho giáo (đạo Khổng Tử và Mạnh Tử), nên ông đã tâu với nhà vua xin đổi tên làng Sổ thành làng Trâu Lỗ vì đất Trâu thuộc nước Lỗ là quê hương của đức Khổng Tử và Mạnh Tử. Được vua Trần chuẩn y, tên làng Trâu Lỗ có từ đó cho tới ngày nay.
Vậy Đoàn Xuân Lôi là ai? Theo "Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư" và các nguồn đăng khoa lục, Đoàn Xuân Lôi sinh ra và lớn lên tại làng Sổ. Dòng họ này vốn quê cha đất tổ ở Thanh Hóa, di cư ra Bắc rồi cư trú ở Trâu Lỗ. Đến đời Xuân Lôi thì phát Trạng. Về việc này tấm bia ghi chép về Đoàn Xuân Lôi ở làng Trâu Lỗ có chép: "Ông họ Đoàn, tên huý là Xuân Lôi. Bản quán ở đất Thanh Hóa. Cha ông đến cư trú ở Trâu Lỗ đã mấy đời".
Sách "Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư" chép: "Giáp Tý, (Xương Phù) năm thứ 8 (1384), (Minh Hồng Vũ năm thứ 17). Mùa Xuân, tháng 2, Thượng hoàng cho thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, lấy đỗ bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh... 30 người".
Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thái học sinh, Đoàn Xuân Lôi được bổ chức Quốc Tử trợ giáo, dạy học ở Quốc Tử Giám, nổi tiếng văn thơ. Tính ông khẳng khái không kiêng dè ai. Tháng 12 năm 1392, khi Hồ Quý Ly - lúc đó là Đồng binh chương sự, Phụ chính Thái sư, họ ngoại của Trần Nghệ Tông - soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên dâng lên vua, bàn một số việc của các bậc tiên thánh.
Vua ban chiếu dụ khen nhưng Đoàn Xuân Lôi là người dâng thư nói bàn như thế là không phải. Ông bị giáng chức xuống làm Thông phán và đày đi Ái Châu, Thanh Hóa. Đồng thời, Trạng nguyên Đào Sư Tích là người hay lui tới đọc sách với ông cũng bị giáng chức xuống làm Trung thị lang đồng tri thẩm hình viện sự.
Văn chương, tư tưởng Đoàn Xuân Lôi nức tiếng một thời. Năm 1397, Hồ Quý Ly ép Trần Thuận Tông rời đô vào Thanh Hóa gọi là Tây Đô. Khi Hồ Quý Ly đang chỉ huy xây thành, có nông dân bắt được một con sâu hình dạng giống lá cây, dâng lên vua.
Triều đình cho điềm lành của kinh đô mới, đặt tên sâu ấy là con ngựa lá (diệp mã nhi). Nhân đó các danh sĩ đều làm phú chúc tụng. Đoàn Xuân Lôi được dịp, ông làm bài thơ "Diệp mã nhi phú" (Phú con bọ ngựa) để đả kích Hồ Quý Ly. Bài phú của ông tuyệt diệu, chứa đựng nội dung đả kích sâu cay, lời rang rảng có nhiều câu kì lạ.
Về sau Đoàn Xuân Lôi được phục chức, làm đến Trung thư hoàng môn thị lang, kiêm Thông phán ở Ái Châu, ít lâu sau thì ông bị bệnh, mất khi đang tại chức. Sau đem về Trâu Lỗ cát táng.
Chẳng hàng Tam khôi cũng xứng Trạng
Nhà khoa bảng thứ hai của làng Trâu Lỗ đỗ cao là "nghè Sổ" Nguyễn Đình Tuân. Bố của ông cũng là một nhà khoa bảng, từng đỗ Tú tài đứng thứ hai khoa thi Hương năm 1864. Tháng 9 năm Đinh Dậu (1897) ông đi thi Hương đỗ Cử nhân.
Năm Tân Sửu (1901), Nguyễn Đình Tuân dự thi Hội tại Kinh đô Huế. Cả 4 kỳ đều được phê điểm cao, kỳ Văn sách được phê 5 phân (điểm tối đa) quán trường (nhất trường thi) được dâng lên vua Thành Thái xem.
Khoa thi Hội năm ấy, cả nước lấy được 9 tiến sĩ. Khi vào Kinh thi Đình (cuộc thi dành cho các tiến sĩ mới đỗ), ông đỗ đầu - gọi là Đình nguyên. Thế nên dân gian mới có câu "chẳng hàng Tam khôi cũng xứng Trạng". Nguyễn Đình Tuân cũng được ghi nhận là Đình nguyên duy nhất của huyện Hiệp Hòa trong suốt chiều dài khoa bảng thời nhà Nguyễn.
Sau khi đỗ Đình nguyên, ông được bổ làm tri huyện Việt Yên. Chưa đầy 2 năm thì ông xin cáo quan về nghỉ vì bất đồng với viên Đại lý người Pháp. Năm sau, ông lại nhậm chức Giáo thụ Yên Bái. Sau đó, ông được đổi đi làm Đốc học Ninh Bình, rồi Đốc học Trường Quy Thức (Hà Nội).
Do ông có giao du kết bạn với các nhân sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục nên sau khi trường này bị giải thể thì Trường Quy Thức cũng bị giải tán, Nguyễn Đình Tuân lại về làm Đốc học Ninh Bình, sau lại đổi ra làm Đốc học Hà Đông. Phủ Thống sứ đặc cách cử quan lớn lên làm Án sát Cao Bằng.
Sau lại bị Phủ Thống sứ đặc cách cử làm Án sát Cao Bằng. Lên Cao Bằng được 3 tháng, ngán ngẩm về thói đời và để tránh họa, Nguyễn Đình Tuân cáo bệnh từ quan về làng dạy học và bốc thuốc.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân mất ngày 20 tháng 6 năm Tân Tỵ (14/7/1941). Học trò nghe tin báo, kéo về Trâu Lỗ khóc than thương tiếc. Ngày đưa tang, trời đổ mưa, đường làng lầy lội, nhiều học trò cũ đã làm quan lớn cũng đều mặc áo xô, lội bùn đi theo linh cữu, giữ trọn đạo thầy trò.
Tác phẩm đồ sộ nhất của Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân là bộ sử mang tên "Đại Việt quốc sử cải lương" gồm 765 trang chữ Hán chia thành hai quyển, ghi lại lịch sử nước nhà từ thời Hồng Bàng đến đầu thế kỷ 20, được viết trong thời kỳ ông làm Đốc học Hà Đông (1911 - 1919).
Sách tuy chưa được xuất bản bằng tiếng Việt, nhưng các học giả đánh giá cao về giá trị của một bộ sử được biên soạn cuối cùng dưới thời phong kiến. Bộ sách này hiện được bảo quản tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang ký hiệu A1146/1 và A1146/2.