Theo thông báo về hoạt động tháng 10/2023, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) ghi nhận mức doanh thu đạt 18,45 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất 2.569 tấn tôm thành phẩm, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất 133 tấn nông sản thành phẩm, tăng 35%. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.659 tấn, tăng 11%; sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 137 tấn, giảm 33%.
Trước đó không lâu, vào cuối tháng 10, HĐQT Thực phẩm Sao Ta quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Theo đó, chỉ tiêu tổng doanh thu điều chỉnh giảm 17% so kế hoạch trước đó, về mức 4.870 tỷ đồng. Còn lợi nhuận trước thuế giảm 25% về còn 300 tỷ đồng.
FMC báo doanh thu đi lùi trong tháng 10. |
Việc FMC quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh vừa công bố tình hình kinh doanh 9 tháng với doanh thu thuần 3.835 tỷ đồng và lãi trước thuế 216 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 16% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu thủy sản của doanh nghiệp giảm 14%, từ 4.327 tỷ đồng xuống còn 3.703 tỷ đồng. Đây cũng là mảng kinh doanh có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Sao Ta khi chiếm tới 96%.
Với kết quả này, FMC chỉ mới thực hiện được 65% chỉ tiêu doanh thu cả năm trước điều chỉnh và 54% kế hoạch lợi nhuận. Còn với kế hoạch sau điều chỉnh, FMC thực hiện được gần 79% về doanh thu và 72% về lợi nhuận.
Theo chia sẻ của ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta vào đầu tháng 10/2023, dựa trên lượng hợp đồng đang có (đến đầu tháng 9/2023) và theo ước tính thận trọng, lợi nhuận cả năm 2023 của công ty sẽ đạt “ít nhất đạt 90%” so với năm 2022 trong bối cảnh giá tôm xuống quá thấp (giảm từ 10% - 20% tuỳ cỡ loại).
Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Thực phẩm Sao Ta hiện nay là Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản. Đây cũng là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam.
Đáng chú ý, Thực phẩm Sao Ta hiện cho biết khu nuôi tôm cũ đang thu hoạch đạt khoảng 80% và khu nuôi mới đã thu hoạch xong, dự kiến sẽ thả nuôi lại trong tháng 11 này.