Khách hàng tấp nập ra vào PNJ trong ngày Thần Tài. |
Nhiều năm nay, ngày vía Thần Tài đã trở thành dịp các cửa hàng kinh doanh vàng “hốt bạc”. Theo quan niệm dân gian, trong ngày Thần Tài gõ cửa, nếu mua vàng thì sẽ đem lại may mắn, làm ăn thuận lợi suốt năm. Nắm bắt được tâm lý này nên các doanh nghiệp vàng đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho ngày Thần Tài từ vài tháng trước.
Tuy nhiên, cảnh khách hàng phải xếp hàng chờ đợi tới lượt giao dịch vẫn diễn ra. Khoảng 12h trưa ngày 25.2, đã là giờ nghỉ trưa nhưng theo nghi nhận của PV tại các cửa hàng của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tại TP.HCM ở một số quận Tân Định, Gò Vấp, Bến Thành vàTrung tâm PNJ 52 Nguyễn Văn Trỗi... vẫn rất đông khách đứng chờ tới lượt mình để lựa chọn cho mình Vàng miếng, Kim Khuyển, Tỳ Hươu, Thiền Thừ, vòng Charm hay các loại trang sức vàng khác với mong ước mang may mắn, giàu sang về nhà.
Tới 17h chiều cùng ngày, đại diện PNJ cho biết, doanh thu ngày Thần Tài 2018 của PNJ đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lượng sản phẩm bán ra đạt 169.000 sản phẩm, trong đó, dòng sản phẩm linh vật của năm – Kim khuyển và các sản phẩm Thần Tài như vòng Charm phong thủy, Tỳ Hưu, Thiềm Thừ, miếng vàng Tài – Lộc…là những sản phẩm hút khách nhiều nhất, mang lại doanh thu đáng kể cho PNJ.
Tài sản “nữ tướng” ngành vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung tăng lên 1.701,32 tỷ đồng sau phiên giao dịch ngày 23/2. |
Trước đó, PNJ đã nhận một tin vui trên thị trường chứng khoán khi kết thúc phiên giao dịch ngày 23.2 – phiên giao dịch cuối cùng trước ngày vía Thần Tài, cổ phiếu CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) leo lên 170.700 đồng/cp, mức cao nhất kể từ khi niêm yết tới nay.
Tại mức giá này, vốn hóa thị trường PNJ đạt gần 18.500 tỷ đồng (815 triệu USD), tăng 25% so với đầu năm và là một trong những cổ phiếu Bluechips tăng tốt nhất thị trường.
Còn nếu tính riêng phiên giao dịch ngày 23.2, cổ phiếu PNJ đã tăng 6.700 đồng/cổ phiếu (4,09%). Điều này giúp tài sản của “nữ tướng” ngành vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch HĐQT, người đang sở hữu 9.966.714 cổ phiếu PNJ tăng thêm 66,78 tỷ đồng, lên 1.701,32 tỷ đồng sau phiên giao dịch.
Về quy mô doanh nghiệp, PNJ được đánh giá là một trong số ít các doanh nghiệp đầu ngành ngành bán lẻ vàng, trang sức, nữ trang ở Việt Nam với 26,5% thị phần. Hiện tại, PNJ đang sở hữu chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý trên toàn quốc với con số lên tới 281 cửa hàng. Theo kế hoạch, PNJ sẽ tiếp tục nâng số lượng cửa hàng lên con số 300 vào tháng 4.2018 và 500 cửa hàng vào năm 2020.
Về cơ cấu cổ đông, PNJ có cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Hiện tại, PNJ đã kín room ngoại ở mức 49% và trong đó, Dragon Capital là cổ đông ngoại lớn nhất tại doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 10,5%.
Cách đây không lâu, Dragon Capital đã chi ra 841 tỷ đồng để mua thêm 5,22 triệu cổ phiếu PNJ, tương ứng mức giá lên tới 161.000 đồng/cp. Điều này cho thấy nhà đầu tư ngoại lâu đời nhất trên TTCK Việt Nam đang đặt khá nhiều niềm tin về triển vọng tăng trưởng của PNJ.
Theo đánh giá của ACBS, nhìn chung, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã có một năm 2017 thành công với doanh thu thuần hợp nhất 10.977 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm trước.
Trong đó, 79% doanh thu đến từ trang sức vàng. So sánh với kết quả kinh doanh năm 2016, doanh thu bán lẻ vàng trang sức tăng mạnh 39 trong khi, doanh thu bán lẻ bạc cũng tăng 30%.
Lợi nhuận sau thuế năm 2017 của PNJ tăng trưởng 61% so với năm trước, đạt 726 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận gộp tăng lên 17.4% so với 16.5%. Cho dù tỷ số chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần của Công ty tiếp tục tăng.
ACBS kỳ vọng biên lợi nhuận gộp có thể mở rộng thêm trong những năm tiếp theo, chủ yếu là do biên lợi nhuận của mảng vàng trang sức cải thiện. Ngoài ra, PNJ sẽ đầu tư cho nền tảng công nghệ hướng tới sử dụng tiếp thị số (digital marketing) và hệ thống ERP mới như là một bước chuẩn bị cho 5 năm tới. Chi phí liên quan không được tiết lộ, mặc dù công ty cho biết đã tính vào kế hoạch kinh doanh năm 2018.